Thay đổi cách tiếp cận người tiêu dùng để khắc phục ảnh hưởng của COVID-19

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã và đang gây nhiều tác động đến các hoạt động mua bán, kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, nhiều chủ cửa hàng, cơ sở sản xuất, chủ trang trại thay đổi cách tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng trên các nền tảng không gian mạng.

Tìm hướng tiếp cận mới

Chị Hà Diệu Linh (Tây Hồ, Hà Nội) là một khách hàng khá kỹ tính. Khi có thói quen đã mua hàng, nhất là nông sản, chị đều muốn truy xuất nguồn gốc và so sánh giá cả, chất lượng, các điều kiện mua hàng... của các cửa hàng khác nhau trên mạng.

“Thông tin từ các cơ sở đưa ra rất ít, nhiều khi hình ảnh na ná nhau. Khi có yêu cầu hình ảnh xác thực thì ít khi chủ cơ sở đưa ra hình ảnh chứng minh được đó là hàng do cơ sở mình sản xuất. Có thể họ không có thói quen marketing, quảng bá khi giao hàng như các cửa hàng nội thành. Theo tôi, các cơ sở bán các mặt hàng nông sản cần thay đổi điều này, vì hình ảnh xác thực từ chính cơ sở sản xuất, bán hàng cho khách hàng rất quan trọng trong bối cảnh rất sẽ copy, sao chép trên mạng”, chị Hà Diệu Linh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Livestream bán hàng trên mạng tại chợ vùng cao Tủa Chùa (Điện Biên).

Gần đây, những hình ảnh quảng bá trên không gian mạng đã được cải thiện, bởi các cơ sở bán hàng phải thay đổi cách tiếp cận với khách hàng trước những yêu cầu giãn cách, không tập trung đông người để phòng dịch.

“Hiện nay khi muốn tìm kiếm một mặt hàng nào đó, tôi chỉ cần gõ 1 từ khóa cần tìm lên google hoặc facebook, khoảng 1-2 ngày sau trên trang facebook sẽ liên tục cập nhật hình ảnh những mặt hàng tương tự để tham khảo, so sánh”, chị Mỹ Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Đây cũng là cách tìm kiếm thông tin của không ít khách hàng hiện nay. Theo ông Hà Minh, chuyên gia công nghệ thông tin, thực chất đây là hình thức quảng cáo có mục tiêu của các nền tảng xã hội khi ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Chỉ cần người dùng đánh từ khóa, thậm chí vào 1 trang web nào đó ở quãng thời gian nhất định là trên các thiết bị truy cập của người dùng sẽ ưu tiện hiện những quảng cáo đã trá phí về các mặt hàng liên quan.

Nhận thấy được tính ưu việt này của mạng xã hội, nhiều cơ sở sản xuất bắt đầu đầu tư quảng bá trên các nền tảng này để thay đổi cách tiếp cận người tiêu dùng.

Áp dụng cách làm mới

Tại chợ vùng cao huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), việc bán hàng dùng công nghệ livestream khá phố biển trong 2 năm trở lại đây. Chị Huyên, người bán hàng tại chợ Tủa Chùa cho biết: Tối thứ 7, chợ Tủa Chùa tấp nập người bán lan và thảo dược. Trước đây, chị  chỉ bán trực tiếp cho dân buôn. Nhưng gần 2 năm nay, dưới tác động của dịch COVID-19, việc bán hàng trực tiếp bị ảnh hưởng nên nhiều người chuyển sang kết hợp bán hàng livestream và thu nhập tăng hơn trước do khách hàng được mở rộng.

Chú thích ảnh
Livestream bán các sản phẩm OCOP Hà Nội.

Mới đây, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đã tổ chức chương trình "Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội - cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch". Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: "Sự kiện nhằm kết nối các chủ thể OCOP tới người tiêu dùng dựa trên nền tảng xã hội nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm. Trong bối cảnh đó, thay vì phải giải cứu nông sản một cách bị động và dễ gây tổn thương đến người nông dân, các chủ thể kinh doanh, ngành nông nghiệp cần chủ động chia sẻ, kết nối và lan tỏa những giá trị nông sản Việt thông qua kênh phân phối trực tuyến”.

“Hình thức livestream này đã được một số chủ thể thực hiện nhưng đây là lần đầu tiên do Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đứng ra tổ chức với mong muốn là một kênh xác thực về mặt hàng đã được cơ quan Nhà nước đảm bảo chất lượng; đồng thời giúp các chủ thể thực hành kỹ năng giới thiệu các sản phẩm qua hình thức bán hàng online”, ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.

Hà Nội có 1.350 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, có trên 10.000 sản phẩm được gắn mã QR code, có 164 trang trại công nghệ cao. Đây là tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn của Hà Nội. Theo ông Nguyễn Văn Chí, kết quả của buổi livestream được báo cáo với Thành phố Hà Nội và các cơ quan Trung ương, từ đó đúc rút các kinh nghiệm giúp các chủ thể OCOP sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty sản phẩm sữa nông trại Ba Vì (Hà Nội) cho biết: "Từ trước đến nay tôi thường quảng bá qua các sự kiện hội chợ, sự kiện offline và các đại lý. Đây là lần đầu tiên tôi áp dụng hình thức livestream để tiếp cận khách hàng. Qua ngày hội này, tôi học được thêm kỹ năng quảng bá, giao thương với khách hàng qua hình thức livestream và sẽ nghiên cứu bổ sung cách thức quảng bá trực tuyến này để bán hàng".

“Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra phức tạp như hiện nay, chuỗi cung ứng cung cầu đang bị đứt gãy, do đó, hình thức bán hàng livestream mang đang là kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả. Hà Nội có thể tiếp tục tạo kênh bán hàng này hỗ trợ cho các chủ thể OCOP”, bà Hải Yến, Giám đốc Công ty Cổ phẩn chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm cho biết.

Cùng với kênh bán hàng qua hình thức livestream, hình thức qua sàn thương mại điện tử cũng được chú trọng, nhất là những sản thường mại có sự bảo đảm từ cơ quan Nhà nước. Đơn cử như từ đầu mùa vải đến nay, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã hỗ trợ người dân Bắc Giang tiêu thụ gần 4.000 tấn vải qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Lần đầu tiên, hàng nghìn người dân Bắc Giang đã được các nhân viên Bưu điện hỗ trợ mở gian hàng giới thiệu về quả vải tươi ngon của gia đình mình lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ vải, Vietnam Post đã cử nhân viên làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp, không chỉ hướng dẫn cách bán hàng trên môi trường điện tử mà còn hỗ trợ người dân đóng gói, bảo quản, vận chuyển vải an toàn đến tận tay người tiêu dùng. Nhiều khâu trung gian bị cắt bỏ nên giá bán vải năm nay khá ổn đình.

Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, tính đến ngày 24/6, số nhà cung cấp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn là gần 935. Phát huy lợi thế về hệ thống phương tiện chuyên dụng đảm bảo các tiêu chuẩn trong việc vận chuyển nông sản, cùng mạng lưới và nhân viên Bưu điện có mặt tại tất cả các xã phường, việc mua hàng nông sản được cam kết chuyển đến tay người tiêu dùng chỉ mất từ 6 - 48 tiếng đồng hồ. Người dân trên cả nước nhận được những chùm vải thiều tươi ngon như mới hái mà giá cả lại rất phải chăng.

Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, để đảm bảo chất lượng vải tốt nhất đến tay người tiêu dùng, hiện nay Vietnam Post đã bố trí kho lạnh hoặc container lạnh tại tất các các tỉnh, thành phố trong suốt mùa vải này.

Đây cũng sẽ là cách thức vận hành tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong thời gian tới của sàn thương mại điện tử giúp tiêu thụ trực tiếp hàng hóa nông sản, đặc sản cho các tỉnh thành trong cả nước qua hệ thống bưu điện với giá cả cạnh tranh.

Chú thích ảnh
XM/báo Tin tức
Đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện đóng 15 năm được hưởng lương hưu
Đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện đóng 15 năm được hưởng lương hưu

Đó là một trong những giải pháp Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam kiến nghị nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28 mà BHXH Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN