Dịch COVID-19 tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều hoạt động bán hàng, trao đổi thông tin đều đưa lên không gian mạng. Điều này khiến doanh nghiệp phải thay đổi thích ứng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đối tác.

Chuyển đổi số để dành quyền chủ động

Khi được hỏi về tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã phải thốt lên: Dịch COVID-19 có nhiều yếu tố tiêu cực tới doanh nghiệp Việt Nam và chỉ có 1 yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Xử lý phản ánh hiện trường của công dân tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (HueIOC). Ảnh: Mai Trang/TTXVN

“Từ khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi doanh nghiệp (DN) có những thách thức và khó khăn khác nhau những giống nhau là mọi thứ đều bất định. Chúng tôi không biết trước là dịch bùng lên ở điểm nào và thời điểm nào. Do đó, để duy trì sản xuất, chúng tôi cố gắng đảm bảo an toàn lao động qua việc ít chạm và duy trì giao tiếp với khách hàng để tiêu thụ hàng hóa. Để làm được điều này, trước đây gọi là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nay gọi là chuyển đổi số. Từ 2011, chúng tôi đã quan tâm đến CNTT và qua không ít lần thất bại nên đến năm 2017 mới bắt đầu hoàn thiện. Nhờ có ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi kiểm soát hoạt động của DN theo chu kỳ 10 ngày và thậm chí hàng ngày để có được tất cả các dữ kiệu mà căn cứ vào đó có những điều chỉnh linh hoạt”, ông Nguyễn Hoàng Ngân chia sẻ.

“Năm 2021, chúng tôi xây dựng khẩu hiệu "Linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức". Đây là giải pháp cần thiết vì chúng ta không thể chắc chắn điều gì xảy ra. Chỉ có thể thường xuyên theo dõi tình hình chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó. Chiến thuật lớn nhất hiện này là làm sao để người lao động thấy được mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của dịch để người lao động tuân thủ phòng dịch và duy trì sản xuất. Kinh nghiệm của chúng tôi là xây dựng kế hoạch và chuyển đổi số từ trước, chứ không phải đợi COVID-19 mới chuẩn bị. Đây chỉ là dịp để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số".

Còn từ góc độ doanh nghiệp làm dịch vụ, bà Lâm Thị Kiều Oanh, người sáng lập Twitter Beans Coffee (TBC) cho biết: "Việc sử dụng công nghệ chủ động giúp DN chủ động vượt qua những khó khăn. Chúng tôi sử dụng nền tảng kết nối Base duy trì tương tác giữa các nhân viên".

“Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, chúng tôi nhận thấy hành vi mua sắm của khách hàng thay đổi qua việc mua hàng mang về. Do đó, chúng tôi ra mắt sản phẩm mới cafe đóng chai. Chúng tôi chỉ mất 7 ngày để ra mắt sản phẩm, trước đây mất cả tháng. Chúng tôi dựa trên các dữ liệu kinh doanh và vận hành được tổng hợp trên nền tảng công nghệ để xử lý các quy trình làm việc sao cho hiệu quả. Ở thời điểm hiện tại, sự thích nghi ứng biến và tốc độ là rất quan trọng” bà Lâm Thị Kiều Oanh cho biết.

Có thể thấy, dịch COVID-19 đang tác động lớn đến hoạt động doanh nghiệp khiến chủ doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng. Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều DN hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. Ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp DN kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Số liệu khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với các đơn vị chức năng của Việt Nam từ gần 2.700 doanh nghiệp liên quan đến chuyển đổi số cho thấy, có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc.

Nên bắt đầu từ đâu?

Từ các khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu dù biết là con đường phải đi. Lo ngại lớn nhất là độ rủi ro là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Chuyển đổi số đang thiếu lộ trình cụ thể và thiếu sự cân bằng giữa công nghệ và các nguồn lực nội bộ tại các doanh nghiệp. Do vậy, theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, còn khoảng 1/3 số doanh nghiệp chậm trong nỗ lực chuyển đổi.

Chú thích ảnh
Bộ TT&TT triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết: Tại thời điểm này, mối quan tâm đầu tiên của các chủ DN là làm sao để linh động, linh hoạt xây dựng các chương trình hành động để đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Rất nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi nên bắt đầu từ đâu? Nhiều người cho rằng cứ đầu tư vào công nghệ thông tin là giải quyết chuyển đổi số. Đây là một sai lầm đôi khi dẫn đến hậu quả lớn. Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cho lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy sự thay đổi và xu hướng của sự thay đổi này để có sự quyết định đúng đắn.

“Từ ứng dụng nền tảng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp quản trị dòng tiền, duy trì giao tiếp với khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Nhìn từ nền tảng công nghệ, chủ doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa nguồn lực qua việc nắm rõ vị trí việc làm, hiệu quả hoạt động để mang lại hiệu suất tối ưu. Do đó, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo không bị động - không gián đoạn - không chạm”, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết.

Là đơn vị tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty CP Misa cho biết: Chính trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh, đây là cơ hội thúc đẩy các DN gia tăng chuyển đổi số trong DN mình. Trong thời gian qua, đã có không ít DN phải gặp khó khăn. Tuy nhiên, với những DN còn tồn tại và có cơ hội phát triển vẫn có những nhu cầu, quan tâm các giải pháp công nghệ mới.

Do đó, đối với chương trình đồng hành cùng Bộ TTTT, MISA dành tặng chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoặc mới thành lập, chưa có bộ máy kế toán sẽ được nhận miễn phí một năm tài chính phần mềm MISA AMIS Kế toán online khi đăng ký sử dụng dịch vụ kế toán/thuế thông qua Nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP. Với chương trình này, MISA cam kết trong năm 2021 sẽ hỗ trợ 30.000 doanh nghiệp.

Bà Lâm Thị Kiều Oanh, người sáng lập TBC cho biết: "Với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi thì việc đầu tiên cần phải làm rõ mục tiêu của DN, bài toán quản trị muốn giải là gì? Từ đó mới dùng nền tảng phù hợp. Tiếp đó là yếu tố con người khi đưa nền tảng vào sử dụng bởi họ phải biết được ứng dụng nền tảng sẽ đem lại lợi ích gì để người lao động cùng đồng hành".

Có thể thấy, trên thị trường hiện nay có nhiều nền tảng để các doanh nghiệp triển khai ứng dụng chỉ trong vòng 1 tháng. Vấn đề quan trọng nhất là sự quyết tâm của chủ doanh nghiệp khi tìm các giải pháp phù hợp.

Tại Việt Nam, năm 2020 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia với việc triển khai mạnh mẽ các hạ tầng, nền tảng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, áp dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... Năm 2021 sẽ tiếp tục là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số với sự vào cuộc của doanh nghiệp và sự tham gia ngày càng nhiều của người dân vào quá trình này.

Chú thích ảnh
XM/Báo Tin tức
Công nghệ là giải pháp giúp kinh doanh không gián đoạn
Công nghệ là giải pháp giúp kinh doanh không gián đoạn

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trở lại với nhiều tác động tiêu cực khôn lường, khiến doanh nghiệp Việt “mắc kẹt” trong bài toán quản trị, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe người lao động. Công nghệ được coi là một trong các giải pháp giúp kinh doanh không gián đoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN