Thanh tra an toàn ở các công trường

Với mục tiêu giảm số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng xuống còn 50% trong năm 2016, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) sẽ tổ chức thanh tra toàn diện về việc chấp hành an toàn lao động trong lĩnh vực này.

1/3 số vụ TNLĐ là trong xây dựng

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH, năm 2015, cả nước có khoảng 7.000 người bị TNLĐ; trong đó, ngành xây dựng chiếm 1/3. Tuy nhiên, đây là thống kê chưa đầy đủ, còn trên thực tế, số người bị tai nạn trong lĩnh vực xây dựng nhiều gấp 2 - 3 lần con số báo cáo.

Tập huấn an toàn lao động cần làm thường xuyên.

Điều đáng nói, các vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng cũng rất nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo ngày 25/3/2015 tại Dự án Formusa, Vũng Áng (Hà Tĩnh) làm 13 người chết, 29 người bị thương; vụ rơi vận thăng lồng tại công trình Trung tâm thương mại số 52 Lĩnh Nam, Mai Động (Hà Nội) ngày 4/12/2015, làm 3 người chết. Mới đây, ngày 9/1/2016, vụ sập giàn giáo tại cầu Suối Chanh (Quan Hóa, Thanh Hóa) đã làm 4 người tử vong.

Năm 2015, lĩnh vực xây dựng chiếm tới 38% tổng số nạn nhân chết khi đang làm việc và 35% tổng số vụ TNLĐ trong cả nước.

Các vi phạm nổi cộm là hợp đồng không rõ quyền lợi và nghĩa vụ các bên, huy động người lao động làm thêm giờ không đảm bảo quy định, chưa trả đủ tiền lương cho người lao động khi làm thêm ban đêm, ngày nghỉ, lễ Tết; đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đầy đủ cho số lao động làm việc, chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; biện pháp thi công chưa đảm bảo; chưa lắp đặt đủ bao che an toàn của máy, thiết bị có thể gây nguy hiểm...

“Từ công tác thanh tra tại các doanh nghiệp xây dựng năm 2015, có thể thấy ý thức chấp hành về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng cũng như người lao động trên công trường còn hạn chế. Chi phí cho công tác an toàn vệ sinh lao động chưa được tính vào đơn giá xây dựng công trình và thường bị cắt xén. Đặc biệt, công tác kiểm định các thiết bị an toàn cũng có vấn đề. Từ khi cho phép xã hội hóa việc kiểm định, qua thanh tra 20 đơn vị kiểm định thì có 2 đơn vị vi phạm. Nội dung kiểm định thiết bị an toàn, điều kiện làm việc bị rút ngắn, thậm chí là “móc ngoặc” với nhau, nên dẫn đến tình trạng có thiết bị vừa mới được kiểm định đã gây mất an toàn lao động. Do đó, công tác kiểm định cũng phải sớm được chấn chỉnh”, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.

Kỳ vọng giảm 50%

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, chiến dịch thanh tra lao động trong năm 2016 có sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức lao động thế giới (ILO), sẽ triển khai cách làm mới, với sự tham gia của thanh tra lao động, công đoàn, đại diện của người sử dụng lao động và truyền thông; nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật an toàn lao động trong ngành xây dựng, cải thiện điều kiện làm việc.

Theo thanh tra Bộ LĐTBXH, trong năm 2015, Thanh tra Bộ tổ chức 7 đoàn thanh tra các dự án xây dựng tại 110 doanh nghiệp và phát hiện hơn 1.000 hành vi vi phạm (bình quân 10 vi phạm/doanh nghiệp). Tuy nhiên, mới chỉ xử phạt hành chính 7 doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 317 triệu đồng.

“Việc thanh tra sẽ tập trung vào 12 nội dung liên quan đến an toàn lao động, gồm chế độ tiền lương, làm thêm giờ, đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng, sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện... Chiến dịch triển khai từ tháng 3 đến tháng 11/2016, với tổng số đơn vị thanh tra là 630 đơn vị, tập trung chủ yếu vào các công trường xây dựng. Các tỉnh căn cứ vào các công trình nổi cộm về vấn đề an toàn lao động của địa phương theo thông tin phản ánh của báo chí, dư luận để thanh tra. Chúng tôi kỳ vọng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành sẽ giảm 50% số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng trong năm nay”, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết.

Thực tế cho thấy, nhà thầu có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an toàn lao động, nhưng phần lớn các nhà thầu, chủ đầu tư đều không tuân thủ những quy định này. Chỉ khi có đoàn kiểm tra thì họ mới vội vàng đi sắm quần áo và trang thiết bị bảo hộ. “Do đó trong quá trình thanh tra, những lỗi nào vi phạm nhiều lần cần phải xử phạt nghiêm minh để răn đe, ngăn ngừa vi phạm tai nạn lao động”, ông Lê Đình Quảng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động chia sẻ.

Xuân Cường
Khởi động chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng
Khởi động chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 21/3, tại Hưng Yên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với tổ chức lao động quốc tế (ILO) khởi động chiến dịch Thanh tra Lao động năm với trọng điểm là ngành xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN