Theo đó, phần lớn nữ công nhân lao động ngành may mặc có trình độ văn hóa, tay nghề còn thấp; đa số đều được đào tạo lại khi vào doanh nghiệp làm việc. Đời sống vật chất, tinh thần nữ công nhân ngành may gặp nhiều hạn chế do sinh hoạt, ăn uống, nơi ở - nơi lưu trú thường xuyên thay đổi; thường xuyên làm tăng ca, ít tiếp cận sản phẩm văn hóa của địa phương, sản phẩm văn hóa chính thống từ các địa điểm sinh hoạt văn hóa; khó có điều kiện tích lũy cho bản thân do nuôi con và lo cho gia đình... khiến đời sống không bền vững, dễ bị tác động và xảy ra các vấn nạn xã hội.
Cụ thể, khảo sát hơn 1.700 nữ công nhân, đại diện doanh nghiệp và các bộ Công đoàn tại doanh nghiệp ngành may cho thấy, có 47,8% nữ công nhân trình độ học vấn từ lớp 9 trở xuống nhưng nhu cầu nâng cao trình độ chỉ chiếm 2,2%. Trên 57% nữ công nhân may ở thành phố hiện thuê trọ, nhà lưu trú; thu nhập bình quân của công nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng (trong điều kiện có tăng ca) thì khoảng 41% (368) nữ công nhân cho rằng không đủ trang trải cho cuộc sống; các khoản chi cơ bản thường ở mức 70% so với thu nhập, trong đó trên 60% chi cho giáo dục, chăm sóc con cái và sức khỏe…
Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban nữ công Liên đoàn Lao động thành phố, đại diện nhóm khảo sát cho biết, thực tế cũng cho thấy, điều kiện làm việc không đảm bảo, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sức khỏe sinh sản, tâm lý xã hội. Lương vùng chưa đảm bảo mức sống tối thiểu (theo Nghị quyết 27 - NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương); chế độ đãi ngộ không đồng đều giữa các doanh nghiệp tạo sự chênh lệch nên dẫn đến tình trạng công nhân “nhảy việc” làm, ảnh hưởng không nhỏ đến dây chuyền sản xuất, năng suất lao động.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với công nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh, giữ sức khỏe cho công nhân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã có những đề xuất kịp thời hỗ trợ nữ công nhân như: tăng cường trang thiết bị bảo vệ công nhân, duy trì và kết hợp giữa thời gian nghỉ phép năm với thời gian nghỉ dịch, tặng thực phẩm cho công nhân, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho công nhân có con nhỏ và phải nghỉ do dịch…
"Do vậy, gần 90% nữ công nhân không muốn chuyển đổi nghề nghiệp khác mà muốn gắn bó với ngành đã chọn; đồng thời, nhiều nữ công nhân chọn làm thêm bằng cách bán hàng online thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo; phụ bán quán ăn, cà phê, phục vụ hoặc đi học làm nghề nail (chăm sóc móng tay, chân), tóc, thẩm mỹ… để cải thiện thu nhập", bà Huỳnh Thị Ngọc Liên chia sẻ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trên 50% lãnh đạo và Công đoàn doanh nghiệp đồng tình tăng cường thêm chính sách phúc lợi xã hội cho công nhân như: chính sách quà tặng, hỗ trợ bằng vật chất hoặc tiền trong những ngày sinh nhật, ngày lễ, Tết theo luật của Việt Nam; cải thiện điều kiện nghỉ ngơi giữa ca, buổi trưa tại doanh nghiệp; tăng giờ nghỉ cho nữ công nhân trong những ngày “đèn đỏ”, cho nữ công nhân mang thai từ tháng thứ 7 và nuôi con dưới 12 tháng được đi làm trễ, được hưởng nguyên lương; hỗ trợ cho nữ công nhân có con nhỏ, chỗ ở, vay vốn mua nhà ở xã hội cho công nhân có nhu cầu...
Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, tuy một số nội dung đề xuất đã được quy định, nhưng các Công đoàn cơ sở cũng cần chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, đảm bảo các chính sách được triển khai đúng, đủ, xuyên suốt và đồng bộ. Trong đó, giám sát các chính sách công về lương, cam kết của doanh nghiệp về việc trả lương đủ sống cho người lao động là rất cần thiết.
Đối với doanh nghiệp, bà Lê Thị Kim Thúy khuyến nghị cần xác định việc trả lương đủ sống cho người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, an toàn, ổn định, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ việc thay đổi cách quan tâm, đối xử với công nhân sẽ góp phần giữ chân người lao động.
Ngược lại, công nhân cũng cần nhận thức việc học tập nâng cao kiến thức, tay nghề, năng lực sản xuất là điều kiện thiết yếu để tăng cường khả năng thương lượng về lương; cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe, học tập. Với cơ quan nhà nước, khi xây dựng, ban hành các vấn đề vĩ mô cần chú ý tác động đến doanh nghiệp và tâm lý, quan điểm của công nhân...
“Trên nguyên tắc hiểu rõ, làm đúng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và công nhân lao động cần thực hiện nghiêm, đồng bộ, xuyên suốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định. Sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan sẽ góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần, môi trường làm việc cho người lao động”, bà Lê Thị Kim Thúy chia sẻ.