Thành phố Hồ Chí Minh: Giao thông với những giải pháp quyết liệt

Cùng với quyết tâm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông của Bộ GTVT, trong năm 2012, TP.HCM đã đặt nhiều mục tiêu cải thiện bộ mặt giao thông TP.HCM. Hy vọng với những giải pháp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, tình trạng giao thông TP.HCM sẽ có nhiều tiến triển tích cực.

Dọn sạch vỉa hè, lòng đường

Sự bùng nổ xe cá nhân hiện nay đang là một thách thức rất lớn trước nạn ùn tắc giao thông của TP.HCM. Với khoảng 6 triệu xe gắn máy và trên 500.000 xe ô tô đang lưu thông trên đường hàng ngày, mật độ phương tiện trên đường gần như dày đặc. Điều đáng lo ngại là số phương tiện liên tục tăng (trung bình mỗi ngày TP.HCM đăng ký mới thêm 1.200 xe gắn máy và 100 xe ô tô), trong khi đó tỷ lệ đất giao thông của TP.HCM chỉ mới đạt 6,1% so với đất đô thị. Diện tích đường năm 2011 của TP.HCM chỉ tăng thêm khoảng 0,3% nhưng số phương tiện giao thông cá nhân tăng đến 13%.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, hy vọng tình trạng ùn tắc giao thông năm 2012 sẽ được cải thiện hơn.


Hệ thống bãi đậu xe của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đậu xe, chiếm không quá 0,1% diện tích đô thị, không những vậy thời gian qua, nhiều vỉa hè, lòng đường lại được trưng dụng cho thuê để kinh doanh và làm chỗ để xe. Xuất phát từ nhu cầu về bãi đậu xe, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 74/2008/QĐ-UB cho phép người dân được dùng vỉa hè để kinh doanh buôn bán và đậu xe trên vỉa hè, dưới lòng đường có thu phí.

Theo Quyết định 74, toàn TP có 163 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, trong đó nhiều nhất là quận 1 với 63 tuyến đường, quận 5 với 45 tuyến đường; 112 tuyến đường khác được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh buôn bán; 72 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí, trong đó nhiều nhất vẫn là quận 1 với 32 tuyến đường.

Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM giải thích rằng, việc cho xe ô tô đậu ở lòng đường là giải pháp trước mắt xuất phát từ việc thiếu chỗ đậu xe ô tô khu vực trung tâm thành phố, còn về lâu dài tất nhiên không thể để xe ô tô đậu chiếm hết lòng, lề đường.

Mới đây, trong văn bản báo cáo UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải thừa nhận, việc cho phép đỗ xe thu phí trên một số tuyến đường đã không còn phù hợp với tình hình giao thông thực tế, không đảm bảo trật tự an toàn cũng như mỹ quan đô thị. Sở kiến nghị thành phố bãi bỏ việc giữ xe thu phí trên nhiều tuyến đường.

Xác định nhiều bãi giữ xe chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông, UBND TP.HCM quyết định dẹp bỏ các điểm đậu xe có thu phí trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát toàn bộ điểm sử dụng tạm thời một phần lòng lề đường và vỉa hè làm điểm đậu xe có thu phí trên địa bàn.

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải giải tỏa ngay các điểm gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và sẽ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và chủ tịch UBND 24 quận, huyện kiểm tra, xử lý những trường hợp đậu xe không đúng bến bãi nhằm tránh tình trạng ùn tắc.

Tổ chức lại 30 “điểm đen” giao thông

Ngày 12/1, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm An toàn giao thông 2012. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo ngay sự chuyển biến tại các “điểm đen” TNGT và các điểm thường xuyên kẹt xe trên địa bàn TP.

Một trong những giải pháp cấp bách là hoàn thiện ngay hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, giải phân cách ở một số khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc và TNGT. Theo Sở GTVT, đến hết quý II/2012, sẽ hoàn tất việc lắp đặt dải phân cách giữa làn ô tô, xe máy trên 11 tuyến đường, gồm: Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Liên tỉnh lộ 25B, Quốc lộ 22, Lê Thị Riêng, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) và đặt mục tiêu xóa 24 điểm đen TNGT trên địa bàn TP.

Sở GTVT cũng tổ chức lại giao thông 30 khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, tăng số lượng đường giao thông một chiều như vòng xoay Cây Gõ, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, Thành Thái - Sư Vạn Hạnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, Hai Bà Trưng - Lê Văn Sỹ - Cách Mạng Tháng Tám…

Nhiều công trình giao thông trọng điểm đưa vào sử dụng cũng sẽ giải quyết bài toán giao thông lâu dài (Đại lộ Võ Văn Kiệt).


Trong năm 2011 TP.HCM đã hoàn thành 142 công trình giao thông quan trọng như khai thông tuyến đại lộ Đông Tây, thông hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, đường Rừng Sác…; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, mở rộng xa lộ Hà Nội, nút giao Gò Dưa…

Tuy nhiên, các điểm nút giao thông đồng mức vẫn thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Sở GTVT cho biết, sẽ nghiên cứu xây dựng một số cầu vượt có kết cấu thép lắp ghép (tải trọng dưới 3 tấn) tại một số trục đường, nút giao thông quan trọng. Đồng thời Sở GTVT cũng tiếp tục nghiên cứu đề án thu phí ô tô lưu thông vào khu trung tâm, nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm thực hiện cấm một số loại xe lưu thông trong khoảng thời gian nhất định trên một số tuyến đường có mật độ lưu thông cao.

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, sắp tới TP sẽ xây dựng và thí điểm cấm xe taxi, xe cá nhân, xe trên 30 chỗ ngồi… trong khoảng thời gian nhấn định trên một số tuyến đường. UBND TP cũng yêu cầu bộ phận văn phòng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua kết quả nghiên cứu khả thi dự án thu phí ô tô vào trung tâm, phải hoàn thành trong tháng 2/2012 để báo cáo HĐND TP thông qua, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Giao thông công cộng bằng xe buýt cũng sẽ được hệ thống lại một cách triệt để, Sở GTVT cũng sẽ xây dựng các đầu mối trung chuyển xe buýt tại Đầm Sen, ngã ba Giồng, ngã tư Tân Quy; thí điểm tuyến xe buýt nhanh trực tiếp dừng tại một số trạm dừng, nhà chờ với giá vé cao hơn. Bên cạnh đó, sở cũng điều chỉnh luồng tuyến xe buýt trên một số tuyến đường theo hướng tăng lượng xe buýt, hạn chế dần taxi, xe cá nhân…

Cam kết giảm 10% TNGT

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, UBND TP đã yêu cầu 7 sở, ngành và 24 quận, huyện ký cam kết, giao ước thực hiện chỉ tiêu giảm 10% TNGT và kẹt xe.

Với quyết tâm toàn hệ thống chính trị vào cuộc để đạt chỉ tiêu toàn TP.HCM giảm 10% số vụ, số người chết, bị thương vì TNGT và giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, trong nội dung ký cam kết, tâ#t cả 24 quận, huyện đều đăng ký giảm số vụ TNGT và ùn tắc giao thông từ 10% trở lên, riêng Công an TP đăng ký giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút. Các quận 1, 5, 10 là địa bàn nóng về tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán cũng đăng ký mỗi quận giảm 10 tuyến đường bị lấn chiếm trong năm 2012.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín khẳng định: “Kế hoạch chống ùn tắc giao thông là một trong sáu chương trình trọng điểm của Thành ủy. Để thực hiện kế hoạch này, thành phố sẽ làm ngay từ bây giờ và liên tục nhiều năm tới. Trong đó, tập trung những vấn đề cần làm ngay, nhất là các giải pháp đã thực hiện nhiều năm, thời gian tới phải làm quyết liệt. Trong những năm qua, dù rất nỗ lực nhưng thành phố mỗi năm chỉ kéo giảm được khoảng 2% về TNGT. Mục tiêu kéo giảm đến 10% trong năm 2012 là hết sức khó khăn”.

Trên thực tế, TP.HCM cũng đã có hẳn một kế hoạch, chiến lược cho giao thông lâu dài. Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020 nhìn nhận, mục tiêu dài hạn của TP.HCM là tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối với vùng địa bàn TP.HCM; phát triểnvận tải hành khách công cộng, ưu tiên giao thông công cộng khối lượng lớn; nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải đô thị; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, kéo giảm TNGT.

Đăng Giới - Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN