Thành lập Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày: Một lời tri ân với đồng đội

“Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”, nơi tái hiện chân thật “địa ngục trần gian” với những đòn tra tấn dã man nơi nhà tù Côn Đảo đã được một nhóm các cựu chiến binh tự nguyện thành lập và xây dựng tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nơi đây đã lưu giữ hơn 3.000 hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tại các nhà tù trong cả nước.

Kỷ vật thiêng liêng

Đến thăm “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”, không ai ngờ rằng đó là bảo tàng tư nhân của người cựu chiến binh, cựu tù nhân Côn Đảo – Lâm Văn Bảng. Ông đã dành khu đất rộng hơn 2.000m2, là mảnh đất hương hoả của gia đình để xây dựng bảo tàng. “Nếu không có đồng đội, tôi không sống được đến bây giờ. Khi đó, tôi bị giam ở nhà tù Biên Hòa, bị thương nặng. Anh em tận tình chăm sóc tôi, dù làm thế họ sẽ bị đánh đập tàn bạo. Sau giải phóng, nhiều người không còn nữa. Tôi thấy mình nợ anh em một mạng sống. Bảo tàng này như một lời tri ân với đồng đội”.

Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng giới thiệu các hiện vật tại bảo tàng.

Ban đầu, nơi đây là khu trưng bày với cái tên giản dị là “Phòng truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Sau mấy chục năm ông Bảng dồn tiền lương thương binh cộng thêm tiền gom góp của bạn bè, anh em họ hàng, đến năm 2007, khi hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thành, bảo tàng chính thức được tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định công nhận với tên gọi “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”. Đây là lần đầu tiên một bảo tàng tư nhân ở Việt Nam thành lập và được công nhận

Toàn bộ khu bảo tàng có tới 10 phòng trưng bày với hơn 3.000 hiện vật, kỷ vật vô giá. Mỗi hiện vật tại đây là một câu chuyện bi hùng mà những chiến sỹ cách mạng phải đổi bằng xương, bằng máu và cả tính mạng để giữ gìn, bảo quản để mang từ nhà tù của địch ra.

Trong số những kỷ vật thiêng liêng ấy có lá cờ Đảng được tạo thành từ xương máu của những người chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo. Hình búa liềm ở giữa lá cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mỗi khi có người bị thương được phát đem mài ra, pha thành màu để vẽ. “Trong tù để kiếm được mảnh vải làm lá cờ không phải là khó. Nó được nhuộm bằng xương máu của anh em, một viên thuốc còn quý hơn máu. Nhưng nhiều người thà chết chứ dứt khoát không uống thuốc, để dành làm màu vẽ cờ Đảng”, ông Bảng kể lại.

Chuồng cọp và những đòn tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo được tái hiện chân thật.


Cùng với đó, lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa – một cựu chiến binh ở Bắc Giang tặng cho bảo tàng là một vật báu cho đời sau hiểu được những hi sinh mất mát của cha ông. Khi trao tặng lá cờ này cho bảo tàng, ông Nghĩa rưng rưng, dặn dò ông Nguyễn Văn Bảng: “Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống, người ta xe hơi nhà lầu, tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi”. Đến bây giờ, lá cờ ấy không còn được màu đỏ tươi nữa, màu máu khô quyện với màu thời gian tạo thành màu đỏ sẫm, một dấu tích lịch sử, lòng kiên cường bất khuất của những người lính cụ Hồ.

 

Hay những hiện vật mang về sau giải phóng thống nhất đất nước, hòn đá được quân giặc dùng để đập vào đầu chiến sĩ ta, lấy tại tử huyệt của 1.033 chiến sĩ trên đảo Phú Quốc. Những viên đạn ghim trong hài cốt các chiến sĩ… Tất cả những hiện vật ấy là kết quả hơn 20 năm lặn lội khắp đất nước của những người thương binh làm việc tại bảo tàng này.

 

Nơi giữ và truyền lửa cho lớp trẻ

 

Mười gian trưng bày tại bảo tàng là những câu chuyện sống động bằng hiện vật, dẫn dắt người xem quay trở về những năm tháng đấu tranh gian khổ của dân tộc. Theo chân ông Kiều Văn Ụych, nhân chứng sống từng bị tra tấn tại nhà tù Côn Đảo, Phó Giám đốc bảo tàng vào phòng trưng bày số 7 và số 8, không ít người phải sởn da gà bởi một loạt mô hình mô tả những đòn tra tấn tại khu biệt giam của nhà tù Côn Đảo. Cả phòng trưng bày là một câu chuyện về sự độc ác của quân thù và sự bất khuất của chiến sĩ ta. Đó là những chiếc thùng phuy chỉ vừa một chiến sĩ ngồi rồi chúng dùng búa gõ trên đỉnh cho tới khi đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng. Đó là chuồng cọp, căn hầm cầm cố tù nhân hàng tuần không được tắm rửa, đầy hầm là phân và nước tiểu của người tù không được quét dọn, mùi hôi thối nồng nặc.

 

“Mỗi ngày chỉ được ăn một nắm cơm, uống một ca nước, có ngày nó không cho ăn. Trời mùa hè chúng mang chuồng cọp ra phơi nắng, người ngồi trong chuồng phải liên tục bới cát cho mát. Đêm mùa đông chúng mang nước lạnh ra dội, nói rằng “tắm cho cọp”. Ban ngày dùng dây nhựa đốt rồi nhỏ vào người. Tôi bị nhốt vào chuồng cọp gần 20 ngày, đến khi gần chết chúng lại cho ra ngoài. Vài ba tháng sau mới hồi phục được sức khỏe”, ông Ụych, nhân chứng sống từng bị tra tấn tại nhà tù Côn Đảo giới thiệu.

 

Mấy năm qua, bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sĩ… Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà còn là nơi tái hiện lịch sử dân tộc, nơi giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống dân tộc mà không sách vở nào thay thế được.

 

Bảo tàng được xây dựng trên tinh thần “ Tự giác, tự nguyện, tự túc, tự chịu trách nhiệm”. Túc trực hàng ngày tại đây là 15 cựu chiến binh, đảm nhận mọi công việc trong bảo tàng từ dọn vệ sinh, trông xe, thợ hồ… và chính họ là những thuyết minh viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có những người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ. Mọi người đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh.

 

Đến bữa cơm trưa, mọi người cùng góp thức ăn đem từ nhà. Bát canh là trái bầu trồng trong bảo tàng. Khách đến thăm được mời ở lại dùng bữa với mọi người, không hề câu nệ. Bữa cơm đạm bạc nhưng rộn rã tiếng cười của người lính. Chứng kiến bữa cơm trưa của những người thương binh ấy, tôi không khỏi xúc động. Mỗi người 2 bát, 2 đôi đũa, một của mình, một dành mời hương hồn đồng đội cùng ăn. Gắp cho đồng đội rồi mới gắp vào bát của mình.

 

“Chúng tôi cất công đi khắp đất nước để tìm kiếm những hiện vật và di vật này với tâm nguyện được giữ lại những “vật báu” ấy, thành lập bảo tàng này như một ngôi nhà chung cho đồng chí của chúng tôi, cả người sống cũng như những người đã hi sinh nên bát cơm cũng chia sẻ như ngày xưa thôi”, ông Kiều Văn Ụych cười nói trước sự ngỡ ngàng của tôi.

 

Đến nay “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày” đã được mọi người công nhận và tin tưởng. Nhưng con đường tìm đến đồng đội, tìm về những năm tháng đấu tranh gian khổ, anh hùng của ông Lâm Văn Bảng và đồng đội của mình vẫn sẽ tiếp tục. “Không dễ gì để những người giữ hiện vật này đồng ý giao cho chúng tôi. Bởi đó đều là sinh mạng chính trị của họ, họ còn quý chúng hơn cả sinh mạng mình. Hiện nay còn nhiều hiện vật nữa nhưng chúng tôi chưa gặp và xin được. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường, tiếp tục thuyết phục họ để cho con cháu sau này được biết đến những di vật đó, để chúng hiểu và sống sao cho xứng đáng với những hi sinh mất mát của cha ông”.

 

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN