Hiện mực nước sông Mã đang xuống chậm, nước sông Bưởi vẫn lên cao làm nhiều nơi ngập sâu trong nước, chính quyền và nhân dân các huyện miền núi đang tập trung khắc phục sự cố do mưa bão gây ra.
Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, mưa lớn trong 4 ngày qua và Nhà máy thủy điện Trung Sơn liên tục xả lũ, nhiều xã bị ngập trắng nước. Chiều 1/9, mưa đã hết, nhưng nước lũ vẫn đang còn ở mức cao.
Tại những xã ven đê sông Mã, nhiều hộ dân bị nước lũ làm ngập nhà, tài sản mất hết. Mực nước trên sông Mã tại Trạm thủy văn Cẩm Thủy đo được là 21,0 mét, trên báo động III là 0,5 m, lưu lượng xã lũ 5.200m3/s.
Trước tình trạng này, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân, tập trung khắc phục sự cố, di chuyển người và tài sản. Đồng thời, cắt cử lực lượng chuyên môn tại các vị trí xung yếu, không cho người dân đi lại tại các khu vực nguy hiểm; chuẩn bị tốt "4 tại chỗ", kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Theo ghi nhận của phóng viên tại xã Cẩm Thành, nhiều nhà dân bị ngập nước, trụ sở UBND xã cũng bị nước lũ ngập gần nửa tường nhà. Dọc tuyến đường vào thôn Thành Long 1, nước đã rút nhưng còn lại đó là bãi "chiến trường" rác thải, tài sản của người dân bị mất hết, hàng hóa hỏng, lúa bị chết, trâu bò bị nước cuốn trôi. Có hộ thiệt hại tới 400-500 triệu đồng.
Chị Phùng Thị Hưng, thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành cho biết, khi chị đang ngủ, trời mưa to, nước lũ ào về trôi đi nhiều hàng hóa, hiện chỉ còn một số đồ vật xoong nồi, bát đĩa... Nhiều hộ khác trong thôn bị mất trắng hoặc hư hỏng tài sản.
Tại khu vực xã Cẩm Lương, nước sông Mã vẫn đang còn cao. Đường vào trung tâm xã, các thôn, suối Cá thần vẫn chưa thể lưu thông xe vì đường còn nhiều bùn, trơn. Nhiều người dân bị mất trắng tài sản, lúa, hoa màu.
Ông Bùi Ngọc Vinh, thôn Kim Mắm, xã Cẩm Lương cho biết, gia đình ông đang ăn cơm thì nước lũ dâng lên ngập nhà. Gia đình ông mất 10 con lợn, 40 con gà, 5 sào lúa, ti vi, 20 bao lúa, máy cày do đều bị nước cuốn trôi. Hiện nước đã rút, nhưng lượng bùn tồn đọng trên đường khiến người dân không thể lưu thông vào trung tâm xã.
Nước lũ đã làm ảnh hưởng đến 13 xã, trong đó có 7 xã bị cô lập gồm Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Yên, Cẩm Sơn, Cẩm Tú. Toàn huyện Cẩm Thủy có 4.169 hộ bị ngập, số hộ phải sơ tán trên 3.825 hộ với 19.125 nhân khẩu; có 2 người chết, 2 người mất tích; 11 điểm trường, 5 trạm y tế, 24 nhà văn hóa thôn, 2 bưu điện xã, 3 chùa, 1 đình làng, một số cơ quan bị ngập nước. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm cáp đò thôn Bọt xã Cẩm Thành bị đứt, 2 cột cáp đò xã Cẩm Giang bị đổ... Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 100 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, huyện đang phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội tỉnh để tìm kiếm 2 người bị mất tích; thực hiện công tác hỗ trợ cho những người bị thiệt hại do mưa lũ.
Tính đến chiều 1/9, công tác di dân tại các xã còn ngập đã ổn định, các hộ gia đình đã được đưa đến nơi an toàn, nhất là trẻ em và người già. Trong những ngày tới, huyện sẽ tiếp tục cử lượng lượng cứu hộ cứu nạn xuống các điểm xung yếu có nguy cơ bị lũ để di chuyển người, tài sản cho người dân, cũng như khắc phục hậu quả sau lũ.
Trước tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp, trong ngày 31/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công điện chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố, các sở, ban, ngành tập trung ứng phó với lũ, sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, hướng dẫn giao thông tại các vùng ngập sâu, chảy siết, tiến hành xử lý sự cố đê điều, hồ đập đã bị ảnh hưởng...