Ngày 12/2/1961, tại thị xã Thanh Hóa đã diễn ra Lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An trước sự tham gia của hàng ngàn cán bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa, cùng đại diện Hội đồng hương Hội An tại Hà Nội. Đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, minh chứng cho tình đoàn kết Bắc – Nam một nhà và chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, mà còn là sợi dây nối liền tình đồng chí, anh em, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng giờ, từng phút, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa luôn dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào miền Nam, của đồng bào Quảng Nam và Hội An. Các phong trào “Thanh Hóa – Quảng Nam, Điện Biên – Đông Xuân quyết thắng”, “Vì miền Nam, vì Hội An”, “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”, “Phất cờ hồng tháng Tám, Thanh Hóa – Quảng Nam quyết thắng”,… đã trở thành những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp ngay tại hậu phương Thanh Hóa. Tiếp sức cho tiền tuyến lớn, Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của phục vụ chiến trường; hàng ngàn con em Thanh Hóa phát huy cao độ ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, đem sức trẻ Phù Đổng đồng hành cùng dân tộc, hăng hái nô nức lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu, xông pha trên khắp các mặt trận, kề vai, sát cánh cùng nhân dân miền Nam, nhân dân xứ Quảng, phố Hội thân yêu chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ trong bom đạn, các phong trào thi đua ái quốc tiếp tục phát triển và xuất hiện ngày càng nhiều nhà máy, rạp chiếu phim, công viên, thư viện,… những công trình mang tên Hội An giữa lòng thị xã, như thông điệp để mọi người dân quê Thanh với tất cả tấm lòng thủy chung, son sắt luôn hướng về Hội An ruột thịt.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An lại đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật, xiết chặt tay nhau tiến vào mặt trận mới, hăng hái thi đua xây dựng quê hương giàu mạnh. Từ những kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thanh Hóa đã tăng cường cán bộ, giúp đỡ Hội An tập trung sức lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những giọt mồ hôi của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã thấm sâu vào lòng đất, gieo mầm cho những mùa gặt mới và thắp lên niềm tin vào những mùa màng bội thu sau những ngày tháng lao động cực nhọc, vất vả.
Sau hơn 30 năm đổi mới, cả hai đô thị đều phát triển vượt bậc: thành phố Thanh Hóa đã trở thành đô thị loại I, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trường khá; dịch vụ - thương mại phát triển nhanh về quy mô, phong phú, đa dạng về ngành nghề, chuyển biến về chất lượng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị an toàn xã hội luôn được giữ vững. Các khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị khu đô thị mới, trường học, bệnh viện và du lịch được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình trọng điểm được xây dựng và đưa vào hoạt động, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc, mang đến cho thành phố dáng vẻ của một đô thị văn minh, hiện đại. Năm 2013, thành phố được Hiệp hội đô thị Việt Nam bình chọn nằm trong 20 đô thị “Sáng, xanh, sạch, đẹp” của cả nước. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 20, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 4 chương trình trọng tâm, xác định 2 khâu đột phá, với quyết tâm xây dựng thành phố Thanh Hóa ngày càng hiện đại, văn minh và phát triển bền vững, phấn đấu trở thành đơn vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Cùng với đó, thành phố Hội An đã trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Quảng Nam và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cù lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hội An được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, được công nhận là Đô thị văn hóa của cả nước. Đó chính là tiền đề để Hội An phát triển bền vững, trở thành đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thanh Hóa cho biết: kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai thành phố Thanh Hóa – Hội An không chỉ là dịp để ôn lại chặng đường cách mạng vẻ vang, gắn bó chia ngọt sẻ bùi, mà còn là dịp để củng cố và phát huy mối quan hệ tốt đẹp của 2 thành phố trong giai đoạn mới. Tin tưởng rằng, hai thành phố Thanh Hóa và Hội An sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng quan hệ kết nghĩa Thanh Hóa – Hội An trở thành hình mẫu của tình đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển trên mọi mặt trận.