Hiện nay trên khắp các tỉnh thành, các loại rượu “quốc lủi” được bán rộng rãi trong các quán cơm, quán nhậu, cửa hàng tạp hóa… Ít ai biết, một lượng không nhỏ trong số đó là loại rượu săm, loại rượu không qua chưng cất từ gạo, ngô, sắn… mà được pha chế từ cồn công nghiệp, nước và được vận chuyển trong… săm ô tô.
Hàng ngày, loại rượu “độc” này vẫn len lỏi vào bữa ăn của người dân và gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Điều đáng nói, cách pha chế của loại rượu này ngày càng đa dạng, phức tạp khiến người mua rất khó phát hiện.
Bày bán nhan nhản, giá nào cũng có!
Để tìm hiểu về cách pha chế và việc buôn bán loại rượu độc này, chúng tôi đã tìm đến Hà Đông, cửa ngõ lưu thông rượu lên khu vực Tây Bắc.
Làng Mai Lĩnh (Yên Nghĩa, Hà Đông) hơn 10 năm nay được biết đến là địa bàn buôn bán, vận chuyển rượu săm lên các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu một cách rầm rộ.
Ông Thịnh (chủ một quán cơm ở làng La Cả, Dương Nội, Hà Đông), chuyên đi chợ sớm ở Mai Lĩnh kể: “Ngày nào cũng vậy, từ 2 giờ sáng, các con buôn rượu săm đã tập kết hàng ở ven đường, chờ xe Hà Nội-Sơn La, Hà Nội-Hòa Bình đi qua thì chuyển hàng lên xe. Mỗi xe chuyên chở khoảng 10 đến 20 săm, mỗi săm chứa 20 đến 60 lít rượu, cứ như vậy tới gần sáng.
Thùng chứa và những chiếc săm ô tô để tiện vận chuyển rượu (ảnh chụp tại một cơ sở sản xuất rượu săm ở làng Đại Lâm - Bắc Ninh) |
Theo chỉ dẫn của ông Thịnh, trong vai một người buôn rượu tìm mối để đánh hàng lên Sơn La, tôi tìm đến làng Tuân (Yên Nghĩa, Hà Đông), rẽ vào cửa hàng có biển hiệu đề “bán rượu gạo”. Chị chủ quán tiếp thị: “Em muốn mua bao nhiêu, giá cả tầm nào cũng có hết. Nếu lấy buôn với số lượng lớn, sẽ được giảm giá”.
Giá rượu chị đưa ra dao động từ 10 đến 15 nghìn đồng/ lít. Thắc mắc về chuyện giá hơi cao, chị này giải thích: “Năm ngoái, thì có rượu giá dưới 10 nghìn, nhưng bây giờ tiền mất giá, nên giá rượu tăng lên. So với giá bán rượu trên thị trường, thì giá cả chị này đưa ra là quá mềm”.
Tuy nhiên, khi đến cửa hàng nhà ông bà Lai Luyến (chân cầu Bươu, Hà Đông), nhìn thấy bảng giá, tôi không khỏi kinh ngạc. Ở đây có 9 loại rượu khác nhau, loại đắt nhất là nếp cái hoa vàng có giá 30 nghìn đồng, thấp nhất là “rượu Tân Độ” có giá 7.600 đồng, quá nửa số đó có giá dưới 10 nghìn.
Khi nghe tôi ngỏ ý muốn mua rượu để phân phối lên Sơn La, bà chủ này khuyên tôi lấy “Rượu bọt Bắc Ninh” có giá 9.800 đồng, bởi vì: “Loại rượu này nặng, lấy lên đó rồi chế thêm vào cho đỡ tốn công vận chuyển”. Bà còn nói thêm về cách chế rượu: “cứ đổ thêm nước lã vào đến khi được độ rượu mà mình mong muốn thì thôi.”
Trong khi đó, theo kinh nghiệm của những người nấu rượu lâu năm ở Bắc Ninh, nếu sử dụng loại men cho nhiều rượu thì trung bình 1kg gạo chỉ có thể trưng cất được khoảng 1 lít rượu 38 độ (độ rượu phổ biến). Nghĩa là giá sản xuất của 1 lít rượu bằng giá của 1kg gạo.
Với giá gạo trên 10 nghìn đồng/1kg như hiện nay, cộng với chi phí vận chuyển từ Bắc Ninh đến Hà Nội, giá rượu dưới 10 nghìn đồng như lời bà chủ đại lý rượu này nói là hoàn toàn không thể.
Bảng giá rượu ở đại lý rượu Lai Luyến chân cầu Bươu với giá rẻ đến giật mình |
1 cồn = 3 rượu
Sở dĩ có giá rượu rẻ như thế vì các đại lý rượu săm ở Hà Nội được đại lý cồn ở Đại Lâm (Yên Phong, Bắc Ninh) phân phối tận nơi, nên không tốn tiền vận chuyển, công thức pha chế các loại rượu cũng được họ cung cấp đầy đủ.
Tùy vào mức giá khách hàng muốn mua, người ta sẽ pha rượu thành nhiều loại khác nhau. Rượu săm càng rẻ thì tỉ lệ rượu thật càng thấp, tỉ lệ cồn càng cao.
Theo bà N.T.T, người có thâm niên hơn 20 năm nấu rượu sắn ở Đại Lâm (Yên Phong, Bắc Ninh), ở Đại Lâm hiện nay có 2 đại lý cồn lớn nhất là gia đình bà Lý và bà Phương Điệp. Còn những gia đình khác chỉ mua lại cồn từ đại lý rồi chế thành rượu bán.
Bà T cũng cho biết, cách pha rượu cồn của người Đại Lâm ngày nay đã rất đa dạng và biến hóa, bởi vì họ không chỉ pha được rượu nặng bình thường, mà còn pha được rượu màu, rượu có mùi thơm như rượu nếp, rượu có bọt… mà chỉ có những người rất sành về rượu mới có thể phát hiện ra.
Trung bình 1 lít cồn 90 độ có thể pha được 3 lít rượu nặng gần 40 độ, với giá cồn dưới 18 nghìn đồng/ lít như hiện nay, người bán vừa có lãi cao, mà không tốn công chưng cất.
Làng nấu rượu Đại Lâm nổi tiếng xưa kia vì thế cũng đã lụi tàn từ chục năm nay vì khó ai có thể cạnh tranh với giá siêu rẻ của rượu săm. Thay vào đó, Đại Lâm ngày nay đã trở thành trung tâm phân phối rượu cồn công nghiệp lớn bậc nhất ở miền Bắc nước ta.
Hiện nay, rượu săm đã biến hóa, pha chế thành nhiều loại rượu khác nhau, khiến cho đại bộ phận người tiêu dùng không thể phân biệt và tự bảo vệ mình. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiểm soát được phạm vi ảnh hưởng của loại rượu “độc” này?
Theo thethaovanhoa.vn