Đoàn cán bộ, phóng viên TTXVN thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình liệt sỹ Lê Duy Quế. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Thay mặt Thông tấn xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Ngô Thị Kim Oanh đã thăm hỏi, động viên gia đình liệt sỹ; cảm ơn những đóng góp, hy sinh của các gia đình liệt sỹ đã sinh ra những người con anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thân nhân gia đình liệt sỹ Lê Duy Quế bày tỏ lòng cảm ơn, sự quan tâm sâu sắc của Thông tấn xã Việt Nam dành cho gia đình các liệt sỹ.
Liệt sỹ Lê Duy Quế là điện báo viên của Thông tấn xã Việt Nam, hy sinh năm 1967 khi đang làm nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Bình. Không chỉ có liệt sỹ Lê Duy Quế, trong các cuộc kháng chiến, Thông tấn xã Việt Nam có trên 260 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường trong cả nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều nhất số liệt sỹ hy sinh, trong số đó đến nay còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, phần mộ.
Hằng năm, Thông tấn xã Việt Nam luôn có những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự quan tâm của cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở trong và ngoài nước dành cho thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ; coi đây là trách nhiệm, tình cảm của mình đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Đồng chí Ngô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Thông tấn xã Việt Nam trao sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ Lê Viết Vượng xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Phan Quân/TTXVN |
* Ngày 21/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Hải Dương cùng các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 71 người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Nhân lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi quà tặng cho 24 người có công tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng. Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; UBND tỉnh trao Bằng khen cho 24 người có công tiêu biểu, 16 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” giai đoạn 2012 - 2017.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển (bên phải) tặng Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương cho người có công tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã yêu cầu các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc người có công, làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đến năm 2020, Hải Dương phấn đấu các gia đình thương, bệnh binh - liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng có đời sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% số hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định. Hải Dương cũng nỗ lực thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực hiện đúng các chính sách theo qui định của pháp luật.
Những năm qua, Hải Dương luôn làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Hàng năm có gần 22.000 trường hợp được an dưỡng, điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. Từ năm 2012 - 2016, Hải Dương đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 5.653 căn nhà của người có công. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực cá nhân, nhiều gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ có mức sống từ nghèo đã nâng lên trung bình, từ trung bình nâng lên khá và có một số hộ vươn lên làm giàu... Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác nâng cao mức sống cho gia đình chính sách…
* Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thương bệnh binh, trao nhà tình nghĩa...
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từng xã, phường thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp cũng như các chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp; khuyến khích ý thức tự vươn lên của các đối tượng, gia đình chính sách thông qua các chương trình cho vay vốn sản xuất, ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm... nhằm tạo điều kiện để người có công tăng thêm thu nhập.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương các cấp thực hiện Kế hoạch sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng trong những năm tiếp theo, phấn đấu đến cuối năm 2019 cơ bản hoàn thành công tác sửa chữa nhà ở cho hộ người có công có nhà ở xuống cấp.
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị các cấp, ngành, mặt trận, tổ chức hội, đoàn thể tăng cường phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm tốt hơn nữa công tác thực hiện chính sách người có công với cách mạng và đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa hàng ngày, hàng giờ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm tri ân đối với các đối tượng và gia đình chính sách.
Đà Nẵng có trên 100.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công cách mạng, trong đó có gần 17.000 liệt sỹ với hơn 27.000 thân nhân; 3.254 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 226 mẹ còn sống; gần 12.400 thương, bệnh binh; gần 22.000 lượt đối tượng trong số đó đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hằng năm trên 330 tỷ đồng.