Khi cuộc sống hiện đại, đầy đủ hơn thì việc ăn Tết của người Việt đã có những thay đổi nhất định. Trong những ngày cuối năm Tân Mão, phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thế Long, Tổng Thư ký Hội Ẩm thực Việt Nam về chuyện ăn và chơi của Tết ngày nay.
´Xin ông cho biết xu hướng ẩm thực ngày Tết hiện nay có những nét gì khác so với trước đây?
Trên thế gian này, hầu như dân tộc nào cũng có những ngày Tết và đã là Tết thì hầu như đâu đâu cũng có ăn uống, chúc tụng, lễ hội và nhiều hoạt động vui chơi của cộng đồng. Tuy cùng là ăn uống, vui vẻ nhưng có lẽ chẳng có nơi nào người ta gọi sự kiện quan trọng này của mỗi năm với cụm từ "ăn Tết" như ở người Việt Nam.
Đối với người Việt, ăn Tết là điểm mốc rất quan trọng trong năm, chữ “ăn” ở đây là có ăn thật. Các cụ ngày xưa cũng có nhiều câu ca dao về ngày Tết như: “Đói 3 tháng hè, no 3 ngày Tết”, “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” để nói về việc ăn Tết. Do vậy, ăn Tết chính là sự kiện quan trọng nhất của mỗi năm trong các gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay, khi cuộc sống hiện đại hơn thì việc ăn Tết của người Việt Nam cũng thay đổi nhiều, đặc biệt là ở những đô thị. Mặc dù, Tết đô thị vẫn mang bản sắc cổ truyền người Việt, nhưng trong cách ăn, cách chơi đã có một số thay đổi. Ví dụ trước đây nhà nào cũng có một hộp mứt Tết để ăn trong những ngày đầu năm thì nay không còn nhiều gia đình đi mua mứt ăn Tết, mà thay bằng ô mai.
Trước đây, hầu như gia đình nào ở cả thành thị và nông thôn cũng tự gói bánh chưng, gói giò... để ăn đến tận ra giêng. Nhưng hiện nay, hầu như các gia đình ở thành thị không còn gói bánh chưng nữa, vì đã có dịch vụ làm sẵn, thậm chí có nhà còn không tự làm cỗ mà thuê người nấu cỗ, chỉ việc bê về thắp hương... Do vậy, việc chuẩn bị ẩm thực trong ngày Tết hiện nay được giản tiện đi rất nhiều. Tuy nhiên, trên bàn thờ ngày Tết của người Việt vẫn giữ được tinh thần của ngày Tết vì nhà nào cũng cúng gà, bánh chưng, mâm ngũ quả....
Thực tế, xu hướng hưởng thụ Tết ngày nay không quá coi trọng vào ẩm thực như trước mà đã đơn giản hóa. Trước đây, ngày Tết chủ yếu ở nhà quây quần anh em họ hàng, các cửa hàng đóng cửa nhưng nay nhiều gia đình đã đi ăn tiệm, đi chơi trong ngày Tết. Thậm chí có những gia đình tổ chức đi du lịch. Như vậy, nhu cầu đi chơi đã tăng lên, nhu cầu ăn giảm xuống, phong cách ăn cũng thay đổi, đơn giản và nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh đó, khi xã hội hiện đại, kinh tế đổi mới, việc giao lưu văn hóa làm ẩm thực cả nước có sự giao lưu, các vùng, miền và cả nước ngoài nên các món ăn trong ngày Tết của người Việt cũng phong phú hơn. Nhưng bất kỳ ai, kể cả người nước ngoài khi đã ăn một cái Tết ở Việt Nam thì vẫn nhận ra được giá trị cốt lõi của người Việt trong dịp Tết.
´Khi kinh tế khá hơn thì một bộ phận người dân chuyển sang ăn chơi xa xỉ, lãng phí trong các dịp Tết, lễ hội đầu năm. Ông đánh giá thế nào về cái gọi là “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đang ở mức báo động?
Tập quán ăn Tết kéo dài, lu bù cùng những phong tục nài ép trong ăn uống, lãng phí, phung phí sức lực trong dịp Tết... không những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mọi người mà còn là một thói quen xấu.
Đúng là xu hướng xa hoa lãng phí trong ăn uống của người Việt trong thời gian gần đây đã ở mức báo động. Có những gia đình mua những chai rượu hàng chục triệu đồng để sử dụng, việc đó không cấm nhưng trong bối cảnh một bộ phận rất đông người Việt, chiến sỹ ở ngoài hải đảo còn thiếu thốn, nghèo khổ... thì việc ăn Tết xa xỉ là điều không nên. Hơn nữa chuyện ăn còn thể hiện nét văn hóa, không phải cứ ăn đắt, ăn thật nhiều đã là tốt, ví dụ hiện nay nhiều người uống những chai rượu có vàng, món ăn dát vàng... nhắm mắt ăn rồi khen bổ nhưng có khi còn độc hại.
Do vậy, ăn ngon, ăn đủ và ăn có văn hóa, không ăn xa xỉ mới là thước đo văn hóa trong ngày Tết. Ăn Tết cũng cần phải có những đổi mới sao cho khoa học và vệ sinh, làm cho cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi người đều được gia tăng và cái Tết mới thực sự trở nên có ý nghĩa.
´Mặc dù cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ hơn trước đây nhưng có rất nhiều người nói rằng cái “Tết” hiện đại nhạt hơn so với trước đây, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tết là cho tất cả mọi người, mọi nhà, mọi thế hệ. Tết là sự hồ hởi, cởi mở, hồi tưởng…, đối với trẻ tưng bừng được manh áo mới, tiền mừng tuổi, người già nhớ tổ tiên, cội nguồn, thanh niên trẻ tụ họp..., Tết là niềm vui với tất cả lứa tuổi nhưng mỗi người có cách ăn Tết khác nhau. Do vậy, việc ăn Tết “nhạt” hay “mặn” xuất phát từ tâm mỗi người.
Trước đây khi đất nước chiến tranh, đói khổ..., Tết là thời điểm quý giá để sum họp. Ngày nay, cuộc sống gặp nhau thường nhật nên một số người có cảm giác nhạt hơn. Hơn nữa, nguồn thực phẩm hiện nay khá dồi dào nên ngày thường cũng có thể ăn những món ngon mà trước đây chỉ Tết mới có. Do vậy, có một bộ phận coi Tết hiện nay nhạt hơn trước đây.
Tuy nhiên, đại đa số ở những vùng nông thôn, vùng cao, Tết vẫn rất thiêng liêng đối với mọi người. Phiên chợ giáp Tết, không khí chuẩn bị Tết vẫn hừng hực ở các phiên chợ quê. Mua sắm quần áo, đồ Tết vẫn là thú vui văn hóa.
Vui của ngày Tết là không khí chuẩn bị trước Tết, giá trị văn hóa của Tết nằm ở chỗ đó, nếu chúng ta để tuột mất giá trị này cũng là tuột mất nét truyền thống trong dịp Tết.
´Xin cảm ơn ông!
Hữu Vinh (thực hiện)