Trước đây, người Ơ Đu sinh sống tập trung ở hai bản Xốp Pột và Kim Hòa thuộc xã Kim Đa và một số ít hộ sống rải rác ở các bản của hai xã Kim Tiến và Xá Lượng. Tháng 11/2006, người Ơ Đu về sinh sống tập trung ở bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My, cách bản cũ khoảng 30km.
Trên vùng đất mới Văng Môn, cuộc sống của người Ơ Đu đã có nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực. Tết Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, cộng đồng dân tộc Ơ Đu tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm, đoàn viên, hạnh ngộ và đoàn kết bản làng.
Sắc Xuân ở Văng Môn
Là một trong 9 bản của xã miền núi Nga My, Văng Môn nằm dọc bên bờ suối Nậm Ngân trong xanh, hiền hòa. Đến Văng Môn dịp này, dễ dàng cảm nhận được không khí nhộn nhịp, háo hức đón Tết của mọi người. Đường vào bản đã được người dân quét dọn sạch sẽ, thoáng đãng, khô ráo. Tại những bãi bồi nơi suối Nậm Ngân vặn mình, người dân đang thau chùi, cọ rửa những vật dụng sinh hoạt hằng ngày với mong muốn “rửa trôi” những điều không vui của năm cũ để bước sang năm mới cùng những điều mới mẻ, vui vẻ.
Trong bản, rộn ràng tiếng loa đài. Nhiều nhà dân đã trang trí cây cảnh, bóng điện màu trong khuôn viên nhà, treo cờ Tổ quốc bên hiên, đầu ngõ. Quốc lộ 48C qua các bản Văng Môn, Đàng, Pột… đã khoác lên mình một màu áo mới khi được trang trí, cắm nhiều cờ hai bên đường, ban đêm được thắp sáng bởi những bóng đèn năng lượng mặt trời. Những gia đình vừa có người đi làm ăn xa trở về, rộn rã tiếng nói cười của hàng xóm đến thăm hỏi. Mọi người, mọi nhà đã chuẩn bị đủ lượng gạo, nếp, thực phẩm, lá dong, các loại rau xanh, củ, thịt khô, củi đun… để đón Tết.
Tạm dừng tay sửa sang kiên cố lại bờ rào khu vườn trồng ớt, ông Lò Văn Cường (60 tuổi) người uy tín của bản Văng Môn tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng, khang trang. Không như ngày thường, thay vì tiếp khách bằng nước trà, ngày Xuân, ông Cường đã mời khách những chén rượu siêu (loại rượu được ủ, chưng cất từ nếp trồng trên nương rẫy và men lá rừng) có một mùi thơm đặc trưng, đượm vị.
Ông Lo Văn Cường cho biết, trước đây, đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức một cái Tết, đó là dịp Tết Mừng lúa mới. Từ năm 1993 trở lại đây, người Ơ Đu đã đón Tết Nguyên đán cùng người Kinh. Trong những ngày Tết, người Ơ Đu bắt buộc phải có món cá nướng và mọc cá để cúng. Mọc cá là món nổi tiếng, mang đậm sắc thái văn hóa ẩm thực của người Ơ Đu.
Các loại cá đánh bắt ở suối về sẽ được làm sạch, rồi trộn với bột gạo nếp, muối, sả, tiêu rừng theo tỷ lệ nhất định. Sau quá trình ủ từ 15 đến 20 phút, người Ơ Đu sẽ chia nhỏ hỗn hợp thành những nhúm nhỏ, gói trong lá chuối và hong trên bếp củi. Sau thời gian khoảng một giờ, món mọc cá sẽ chín, dậy mùi khắp không gian. Với món cá nướng, nguyên liệu là những con cá to hơn, được tẩm ướp với mỳ chính, muối, ớt rồi kẹp từ 4 đến 5 con bằng thanh tre, vầu nhỏ để nướng.
Đến Văng Môn những ngày Tết, du khách được thưởng thức các món đặc trưng như cơm lam, rượu cần, bánh chưng, rượu cẩm, rượu cần, rượu siêu, thịt gà, nhoọc sóc, nhoọc chuột (được chế biến từ thịt sóc, thịt chuột đồng phơi khô cùng với các loại rau, lá môn, hoa chuối rừng, gia vị…) trong mâm cỗ của người Ơ Đu.
Sáng mùng 1 Tết, người dân bản Văng Môn sẽ mổ lợn. Việc mổ lợn có sự tham gia của nhiều gia đình trong bản. Thịt lợn chủ yếu để chế biến các món ăn đãi khách đến thăm hỏi, chúc mừng trong dịp Tết và làm nguồn thực phẩm dự trữ, dùng dần. Người Ơ Đu không làm mâm cúng có thịt bò, thịt trâu mà chỉ dùng thịt gà, cá suối. Trong dịp Tết, nhất là vào các ngày mùng 1, 2 và 3, người dân trong bản sẽ đi đến nhà để chúc Tết nhau, cầu cho năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe, nhà nhà no ấm, sum vầy, bản làng đoàn kết, yên vui.
Khởi sắc sau cuộc “thiên di”
Năm 2006, để nhường đất cho Dự án Thủy điện Bản Vẽ (công trình Thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung), hơn 3.000 hộ dân với hơn 14.300 nhân khẩu của 34 bản đồng bào dân tộc thiểu số đã nhường đất cho dự án. Trong công cuộc "thiên di" quy mô đó, người Ơ Đu đã có tính bước ngoặt trong lịch sử tộc người để từ đại ngàn về sinh sống ở bản tái định cư Văng Môn. Các bản cũ Xốp Pột và Kim Hòa (xã Kim Đa, huyện Tương Dương) trước đây người Ơ Đu sinh sống giờ đã chìm sâu trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
Ông Lo Văn Cường, bản Văng Môn cho biết, về Văng Môn, người dân có nhiều thuận lợi vì đường sá đi lại dễ dàng. Trước đây, khi còn ở bản Kim Hòa, đi mua gạo hay mua sắm, người dân phải vất vả đi thuyền trên sông hàng chục km. Về đến bản, lại phải khó nhọc khuân vác, vận chuyển đồ đạc từ bến thuyền lên nhà trên con đường dốc, trơn trượt. Những thiếu thốn, khó khăn trước đây như nhà cửa tranh tre, nứa lá, “ba không” về điện, đường, trường, trạm, giờ đã không còn nữa. Cuộc sống ở Văng Môn đã khác trước rất nhiều, con cháu được đi học đúng độ tuổi. Thiết chế văn hóa bản làng được xây dựng, bảo lưu, trao truyền. Đời sống tinh thần của người dân được nâng lên.
Già làng Lo Thanh Bình, bản Văng Môn không giấu được niềm vui khi chia sẻ: Trước đây, ở bản Kim Hòa, chúng tôi sống biệt lập giữa đại ngàn, suối dữ, ít có điều kiện đi lại, giao lưu. Khi đó, mối quan hệ làng bản chỉ bó hẹp trong ít hộ dân sống gần nhau. Khi chuyển về Văng Môn, chúng tôi ngỡ ngàng, mừng vui khi nhận ra nhiều gia đình ở bản cũ cũng cùng dân tộc Ơ Đu của mình.
Theo bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, toàn xã có 9 bản, trong đó có 4 bản thuộc vùng trong, nằm trong đại ngàn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, xa trung tâm từ 7 đến gần 20km, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa, lũ. Với địa thế nằm kề bên trục đường Quốc lộ 48C nên Văng Môn được xếp vào một trong 5 bản vùng ngoài của xã miền núi Nga My.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để phát triển sinh kế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Ơ Đu, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của bà con Ơ Đu ngày càng được nâng lên, nhiều hộ dân đã chú trọng vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và có thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân hiện nay của đồng bào Ơ Đu đạt 25 triệu đồng/người/năm. Hoạt động văn hóa như khắc luống, thổi sáo..., đặc biệt là các lễ hội như Lễ hội Tiếng sấm đầu năm, Lễ mừng lúa mới của đồng bào được duy trì và phát huy.
Điều mà nhiều người Ơ Đu cao tuổi ở Văng Môn vui mừng nhất là hiện nay con em dân tộc Ơ Đu đều được đi học đầy đủ, đúng độ tuổi; được chăm sóc và thụ hưởng đầy đủ chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, dân tộc Ơ Đu đã có 5 người tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, hiện làm công an, bác sĩ, cán bộ huyện, xã.
Những ngày Tết, nếu ngược miền Tây xứ Nghệ, du Xuân về với Văng Môn, du khách sẽ có dịp được khám phá một tiểu vùng văn hóa Ơ Đu, được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu, mang tính nhận diện văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực, tín ngưỡng của người Ơ Đu. Đặc biệt hơn, du khác sẽ được cảm nhận văn hóa trọng tình, mến khách, hồn hậu, chân chất từ bao đời nay của người dân nơi đây.