Tây Nguyên thu nhỏ giữa lòng buôn M’liêng

Buôn cổ M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk (Đắk Lắk) là một trong những buôn làng hiếm hoi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của Tây Nguyên. Về với buôn M’liêng bên bờ hồ Lắk, ta có thể cảm nhận được về một Tây Nguyên hoang sơ, hùng vĩ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông R’lâm.



Những ngôi nhà dài lợp tôn làm mất đi nhiều nét truyền thống-Ảnh CTV


Buôn M’liêng tọa lạc cạnh hồ Lắk – một địa danh du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk. Đây cũng là điểm tham quan không thể thiếu trong tour du lịch văn hóa – sinh thái của du khách khi đến nơi đây. Trái với nhịp điệu cuộc sống chỉ cách chưa đến 1 km cuộc sống hiện đại của một vùng du lịch phát triển bậc nhất ở Đắk Lắk, với ánh sáng của chốn đô thị cùng những thứ văn hóa pha tạp, không gian của buôn M’liêng thanh bình, cổ kính như một Tây Nguyên của hàng trăm năm trước. Nét đặc biệt dễ thấy ở buôn M’liêng là 100% gia đình ở đây còn giữ được những nếp nhà dài truyền thống của người M’nông. Hầu hết những nếp nhà dài truyền thống ấy được làm bằng thứ vật liệu khai thác từ rừng núi Tây Nguyên.

Già làng Y Đrỡng Bkrông tiếp khách bên bếp lửa bập bùng trên sàn ngôi nhà dài truyền thống với 2 hàng cột gỗ làm từ cây sao, căm xe, cà chít được tạc thô, to đầy vòng tay một người ôm. Đây chỉ là 1 trong số hơn 100 ngôi nhà dài kiến trúc truyền thống của người M’nông của buôn M’liêng. Mỗi ngôi nhà như vậy có chiều dài tối thiểu tới 30 m, chia ra ít nhất là 5 gian, đủ cho 3 gia đình nhỏ có thể sinh hoạt khá thoải mái. Để làm được một nhà dài phải tốn hàng trăm cây gỗ lớn; người ta phải mất nhiều năm trời vào rừng chọn cây to, làm lễ cúng thần rừng, hạ cây và dùng voi khỏe kéo cây rừng về buôn. Rất nhiều gia đình còn giữ được ghế Kpan – là nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội của người M’nông – với chiều dài hơn 20 m, lòng ghế rộng hơn 1 m; cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ, trống làm bằng da hai con trâu lớn, trống da voi còn được lưu giữ. Trong ngôi nhà của già làng Y Đrỡng vẫn còn lưu giữ ghế Kpan dài gần 30 m, 8 chiếc ché cổ, 3 bộ chiêng quý truyền lại từ nhiều đời nay. Ông nói rằng: “Những thứ này hồi xưa giá trị bằng cả đàn trâu, mấy con voi đó. Chúng là vật thiêng, vật quý giá nhất của người M’nông”.

Một bất ngờ khác, người dân trong buôn vẫn làm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, mộc và đánh bắt cá trên hồ Lắk, dọc các con suối lớn theo luật tục... Dù trải qua nhiều biến động, bây giờ trong buôn đã không còn nhà nào có voi, nhưng không gian thiêng của buôn - những suối, sông, bến nước, bến voi - vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Người già trong buôn không ai nhớ được là buôn M’liêng hình thành từ khi nào. Già Y Đrỡng cũng chỉ nhớ là nghe ông ngoại kể tuổi của buôn mình phải 300 năm có lẻ.

Năm 1997, buôn M’liêng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn Dự án bảo tồn, phục dựng buôn làng văn hoá cổ. Nội dung dự án là bảo tồn và phục dựng những giá trị văn hoá vật thể, gồm phục dựng 6 ngôi nhà dài cổ bằng các loại vật liệu truyền thống (gỗ, mây, tranh, tre, nứa...) với mức đầu tư 600 – 700 triệu đồng/nhà. Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng lớn, theo kiến trúc truyền thống bằng vật liệu dân gian kết hợp với các loại vật liệu hiện đại. Nội dung thứ 2 là bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể gồm: Phục hồi các nghề truyền thống (đan lát, trồng cói dệt chiếu, dệt thổ cẩm, đánh cá trên hồ Lắk, rèn, mộc, gốm...), phục dựng các lễ hội (lễ cúng bến nước, cúng lúa mới, cúng voi, thuần dưỡng voi rừng...), dạy diễn tấu cồng chiêng, hát kể sử thi, dân ca, truyện cổ...

Tuy nhiên, đến nay buôn M’liêng vẫn chưa trở thành một buôn văn hóa cổ tiêu biểu ở Tây Nguyên và cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn cho du khách như mong đợi.

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN