Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các lãnh đạo UBND, HĐND thành phố dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Đan Phượng là huyện anh hùng, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Huyện có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa; vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm.
Ghi nhận sự vượt khó của huyện trong những năm qua, Bí thư Thành ủy cho rằng, Đan Phượng đã triển khai khá toàn diện, đạt kết quả tích cực trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới.
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu huyện Đan Phượng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, huyện tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng ban, các phường, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nắm chắc tình hình nhân dân, quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng.
Bên cạnh đó, Đan Phượng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực cho huyện phát triển; tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Về dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị huyện phải thường xuyên đôn đốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong; tập trung cao độ trong đo đạc, kiểm đếm, di chuyển mồ mả, xây dựng khu tái định cư… kiên quyết đảm bảo theo tiến độ chung của thành phố.
Đồng quan điểm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: Đan Phượng cần phân tích rõ những tiềm năng, lợi thế phát triển, những vấn đề còn tồn tại để có giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đặc biệt, huyện cần quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho quá trình phát triển từ xã lên phường, từ huyện lên quận.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện bám sát, phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án đô thị, tạo nguồn lực cho phát triển; tập trung giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 đảm bảo đúng tiến độ thành phố giao.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở: Tài Nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Quy hoạch - Kiến trúc... đã trao đổi làm rõ thêm các vấn đề huyện Đan Phương đang kiến nghị như: Cập nhật quy hoạch Cảng thủy nội địa kết hợp với Cảng du lịch tại xã Trung Châu (Đan Phượng, Hà Nội) với diện tích 50ha; điều chỉnh, bổ sung chức năng đất thương mại, dịch vụ 10ha tại Quy hoạch Công viên đa chức năng xã Tân Hội theo Quy hoạch phân khu GS đã được phê duyệt...; sớm giao đất các dự án Khu chức năng đô thị Green City (133ha), Khu đô thị nhịp sống mới New Style City (39ha), để tạo nguồn lực cho huyện phát triển...
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và nhân dân huyện thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song bám sát vào chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành thành phố sự gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng.
Nổi bật là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; duy trì được sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, với nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, rõ người, rõ tiến độ để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo 7 chương trình công tác toàn khóa và Chương trình công tác năm. Công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới và có bước đột phá, nhất là trong việc xây dụng, cụ thể hóa các văn bản, bố trí, sắp xếp, điều động, chuyển đổi vị trị công tác theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác cán bộ.
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, nội dung kiểm tra toàn diện hơn, chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên. Việc xử lý, kỷ luật cán bộ được thực hiện nghiêm, đúng quy định. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chú trọng. Công tác dân vận tiếp tục được đổi mới theo hướng gần dân, sát cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội được duy trì, đổi mới, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của huyện; tiếp tục thể hiện vai trò trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đáng chú ý, kinh tế của huyện Đan Phượng có bước tăng trưởng khá, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp; 23/28 chi tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra thực hiện đạt tiến độ, một số chỉ tiêu đạt mức cao. Công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư, xây dựng huyện thành quận được chỉ đạo sát sao, huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.
Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng, nhất là việc thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô được tập trung chỉ đạo. Hoạt động văn hóa, xã hội được chú trọng, có những bước phát triển và tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch nâng cao chất lượng điểm đến. An sinh xã hội được đảm bảo, dịch vụ y tế từng bước đáp ứng việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân. Huyện Đan Phượng chủ động, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.