Tập huấn đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Phát biểu tại hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương nhấn mạnh, đây là một chương trình tình nguyện đặc biệt, là hành động cụ thể hóa, thể hiện trách nhiệm và vinh dự lớn lao khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng tại Kết luận số 174-KL/TW ngày 4/7/2025, thể hiện rõ vai trò của thanh niên trong việc đồng hành cùng chính quyền cấp cơ sở thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, phục vụ người dân.
Tại hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang đề nghị, mỗi cán bộ, đoàn viên phải thấu hiểu rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Cấp bộ Đoàn các tỉnh, thành cần theo dõi sát sao, chủ động tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo tại các buổi giao ban hằng tuần, giúp Trung ương Đoàn kịp thời điều phối, hỗ trợ, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của chiến dịch.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương. Ảnh: Dương Triều
Sau hội nghị, các cán bộ phụ trách và đội trưởng có trách nhiệm tập huấn lại cho lực lượng tại địa phương, yêu cầu 100% tình nguyện viên hoàn thành các khóa học trực tuyến về “Bình dân học vụ số” và “Thanh niên tình nguyện hỗ trợ chính quyền địa phương hai cấp”. Mỗi tình nguyện viên phải là một tấm gương về tác phong chuyên nghiệp: nắm vững nguyên tắc, không làm thay nhiệm vụ chuyên môn, không vượt quyền, bảo mật thông tin, nhưng luôn sẵn sàng, tận tình hỗ trợ người dân.
Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn - Hội cần tiếp tục phân công, bố trí lực lượng phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, ưu tiên những bạn trẻ có năng lực công nghệ và kỹ năng giao tiếp tốt. Phải thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá định kỳ; chủ động ghi nhận, tổng hợp và nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng toàn chiến dịch.
Tại hội nghị, các đội hình thanh niên tình nguyện được tập huấn trọng tâm trong 3 chuyên đề: Hướng dẫn sử dụng VNeID và hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, triển khai qua nền tảng “Bình dân học vụ số”; hướng dẫn quy trình hỗ trợ người dân tại Trung tâm hành chính công cấp xã, phường và ứng dụng AI cơ bản hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã.
Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã huy động khoảng 240.000 đoàn viên, thanh niên, tổ chức thành 4.821 đội hình tình nguyện triển khai tại 3.321 xã, phường, đặc khu, trong đó có 286 địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với quy mô lớn, kết nối đến hơn 3.600 điểm cầu trên toàn quốc, gồm 1 điểm cầu Trung ương, 34 điểm cầu cấp tỉnh, 286 điểm cầu tại các trường đại học, cao đẳng và 3.321 điểm cầu tại các xã, phường, đặc khu nơi các đội hình thanh niên tình nguyện đang trực tiếp triển khai hoạt động hỗ trợ chính quyền cơ sở. Khoảng 20.000 người tham gia (bao gồm cán bộ Đoàn - Hội các cấp, đội trưởng đội hình và thanh niên tình nguyện) thể hiện rõ tinh thần chủ động, quyết liệt của tuổi trẻ cả nước trong công cuộc chuyển đổi số từ cơ sở.