Tạo việc làm, thu nhập cho công nhân lao động Thủ đô

Năm 2013, mặc dù kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm trước, song tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm của công nhân trực tiếp sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Liên đoàn lao động thành phố, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Chỉ tính 10 tháng năm 2013 đã có 10.079 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và có khoảng 23.900 lao động mất và thiếu việc làm, hơn 11.000 công nhân lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với tiền lương của công nhân lao động, mặc dù Chính phủ duy trì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm nhưng với thu nhập bình quân của công nhân lao động đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng được 76,24% điều kiện sống tối thiểu.

Ảnh minh họa: TTXVN


Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn chung chậm được cải thiện. Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu, lao động thủ công, nặng nhọc và độc hại vẫn chiếm tỷ lệ cao, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm bữa ăn của công nhân. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp. Toàn thành phố xảy ra 36 vụ tai nạn lao động, làm 43 người chết và 8 người bị thương nặng.

Đáng lưu ý là tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước diễn ra khá phổ biến, chủ yếu vi phạm quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, nợ lương, vi phạm những quy định về giao kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, không thực hiện nghiêm các chính sách về Bảo hiểm…

Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Trần Văn Thực cho biết, qua kiểm tra vẫn còn 17.180 người chưa được ký hợp đồng lao động, nhiều công nhân lao động mặc dù có công việc thường xuyên nhưng chỉ được ký hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng. Thỏa ước lao động tập thể khu vực ngoài nhà nước còn mang tính hình thức, nội dung chủ yếu sao chép các quy định của pháp luật, ít có điều khoản quy định có lợi cho người lao động.

Cũng theo ông Trần Văn Thực, toàn thành phố hiện có 6.165 đơn vị, doanh nghiệp nợ 1.297 tỷ đồng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 301 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2012 làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, thành phố đã có cơ chế, chính sách ưu đãi, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay chỉ có 15.320 lao động tại các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Phú Nghĩa, Thạch Thất được ở trong các khu nhà lưu trú do thành phố và doanh nghiệp xây dựng. Đa số công nhân vẫn phải thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội.

Năm 2014, phát huy cao độ tinh thần chủ động, tích cực, ý chí quyết tâm vượt khó, công nhân viên chức lao động Thủ đô sẽ luôn là lực lượng đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở, cùng với Đảng bộ và nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Công nhân lao động Thủ đô mong muốn Đảng, Nhà nước và thành phố tiếp tục có những chính sách kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội; tạo thêm việc làm, thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.


Minh Nghĩa
Để công nhân ai cũng có Tết
Để công nhân ai cũng có Tết

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và người lao động cũng đang chạy đua với thời gian làm thêm giờ, tăng ca để mong có thêm thu nhập, lo Tết cho gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN