Từ nét đẹp nơi công cộng đầu năm
Vào dịp Tết, khi đi du xuân tại các điểm lễ hội, di tích, người dân lo ngại nhất là tình trạng “chặt chém” tại các điểm trông xe tự phát. Giá trông xe nhiều bãi xe tự phát thu tới 50.000 đồng/xe máy và 100.000 đồng/ô tô, gấp 4 - 5 lần, thậm chí cả chục lần so với quy định. Tuy nhiên, Tết Bính Thân, tại một số điểm di tích hình thành bãi trông xe đúng giá và miễn phí của đoàn thanh niên, mang đến cái nhìn thiện cảm cho người đi du xuân tại Thủ đô. Và đây chính là một hành động thiết thực để thực hiện chủ đề năm trật tự văn minh đô thị của Thủ đô.
Trông xe miễn phí ở phủ Tây Hồ. |
Tại bãi trông xe có sức chứa hơn 10.000 xe trước phủ Tây Hồ, quận đoàn và Công an Tây Hồ tổ chức trông xe miễn phí từ mùng 1 Tết và kéo dài đến hết rằm tháng Giêng. Người gửi xe tùy tâm ủng hộ vào hòm từ thiện chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Chị Vân Anh (quận Cầu Giấy) đi lễ ở phủ Tây Hồ nhận xét: Đầu xuân đi du xuân đã bị một số nơi trông xe thu với giá 20.000 - 30.000 đồng/xe máy. Nay thấy các bạn trẻ trông xe miễn phí và còn giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, nên chúng tôi rất ủng hộ”.
Bên cạnh điểm trông xe miễn phí tại phủ Tây Hồ, quận đoàn Tây Hồ còn bố trí thêm điểm trông xe đúng giá tại khu vực chùa Trấn Quốc và giao cho đoàn phường Yên Phụ trực tiếp tổ chức. Tại đây, đoàn viên thanh niên phường Yên Phụ phối hợp với các lực lượng đoàn thể khác trong phường cùng tổ chức trông xe đúng giá 3.000 đồng/xe máy cho khách thập phương tới lễ chùa. Tương tự, đoàn phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng tổ chức trông xe đúng giá cho khách đến lễ đền Quán Thánh với giá 3.000 đồng/xe máy và 30.000 đồng/ô tô. Những băng rôn với nội dung “Điểm trông xe đúng giá” trong những ngày đầu xuân, giúp người dân yên tâm lễ chùa. Việc trông xe đúng giá trước cổng đền Quán Thánh được đoàn phường Quán Thánh duy trì liên tục 3 năm nay.
Xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị
“Năm trật tự và văn minh đô thị” năm 2016, Hà Nội xác định mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa giao thông, nơi công sở và công cộng. Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp ứng xử của người Hà Nội, gắn với thực hiện phong trào “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” nhằm tạo chuyển biến trong giao tiếp ứng xử, trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử nơi công cộng. Các đơn vị chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông trong nhân dân, tới các đơn vị, đoàn thể, tổ chức, trường học; Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị người Hà Nội, không vứt rác ra đường, tập kết rác đúng thời gian quy định.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, năm 2016, Hà Nội cũng kiên quyết tháo dỡ, loại bỏ các biển quảng cáo không đúng quy định gây mất mỹ quan đô thị trên các tuyến đường, trong công viên, vườn hoa, các địa điểm công cộng; ban hành các mẫu biển quảng cáo văn minh, phù hợp với nội dung, truyền thống văn hóa để các đơn vị áp dụng; tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển hiệu, quảng cáo, rao vặt, phá bỏ bục, bệ, cầu dắt xe... làm mất mỹ quan đô thị, bảo đảm vỉa hè thông thoáng; ban hành, hướng dẫn lắp đặt mái che, mái vẩy theo mẫu. Các đơn vị hữu quan, địa phương thực hiện tổ chức giao thông, phân luồng giao thông để tiếp tục giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt trên một số tuyến quốc lộ các huyện ngoại thành, các tuyến đường, phố chính, trục xuyên tâm, các tuyến đường đang có công trình thi công. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, sắp xếp, xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; sắp xếp, xử lý các cửa hàng kinh doanh buôn bán, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...
Các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác ra đường, tập kết rác đúng giờ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vứt, đổ rác ra hè, lòng đường; tổng kiểm tra, rà soát, tăng cường, hoàn chỉnh quy trình cấp phép xây dựng theo quy định; tiếp tục thực hiện hạ ngầm, thanh thải các tuyến đường dây cáp điện lực, thông tin liên lạc (khoảng 200 tuyến phố), trong đó hoàn thành cơ bản tại bốn quận nội thành Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Các địa phương thực hiện có hiệu quả việc quản lý, chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở, không để phát sinh các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến mới.
UBND các quận, huyện căn cứ đặc điểm địa phương khi xây dựng kế hoạch triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị” và đăng ký các tuyến phố văn minh đô thị, đảm bảo theo các tiêu chí: Nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, đường hè thông quang, sạch sẽ; phương tiện xe máy để trên hè được quản lý trật tự, ngăn nắp. Trong đó, UBND thành phố giao quận Hoàn Kiếm lựa chọn một số tuyến phố trên địa bàn làm điểm để nhân rộng tuyến phố kiểu mẫu trong việc đề ra các tiêu chí bảo vệ môi trường, cắt tỉa cây xanh, chỉnh trang chiếu sáng, biển hiệu quảng cáo, huy động nguồn vốn xã hội hóa, hạ ngầm sắp xếp lại các tuyến cáp. Trên cơ sở các tuyến phố mẫu sẽ tổ chức nhân ra diện rộng trên địa bàn.