Xóa nhà dột nát cho gia đình chính sách
Tỉnh Trà Vinh dành hơn 11 tỷ đồng tổ chức các đoàn thăm, tặng gần 23.000 phần quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sỹ, người thờ cúng liệt sỹ…
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức đưa người có công với cách mạng dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng toàn quốc năm 2024; ra mắt Ngân hàng gen (AND) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội. Đồng thời, tỉnh tổ chức viếng, dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Trịnh Minh Hùng cho biết, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với gia đình có công với nước như: Xây nhà Tình nghĩa, nhà Đồng đội, nhà Tình thương; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; giúp vốn, tạo việc làm... cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, người có công với cách mạng còn được chăm sóc sức khỏe, mua bảo hiểm y tế, trợ cấp hằng tháng, điều dưỡng tập trung hoặc tại gia đình, cùng các chính sách khác.
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013-2019, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ nhà ở cho 10.090 hộ; trong đó xây mới 7.206 căn, sửa chữa 2.884 căn.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, địa phương đã hỗ trợ nhà ở cho 1.821 gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Đến nay 100% gia đình người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống người dân nơi cư trú.
Truy điệu và an táng các hài cốt liệt sỹ
Ngày 25/7, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) tổ chức Lễ truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sỹ.
Tại buổi lễ, trong không khí linh thiêng, trang nghiêm, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng cùng đông đảo người dân trên địa bàn đã dâng hương, dâng hoa, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã không tiếc tuổi xuân, xương máu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sau lễ truy điệu, lễ an táng được tổ chức nghiêm trang. Sáu hài cốt liệt sỹ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hải Lăng.
Trước đó, qua nguồn tin của người dân, từ ngày 21/6 - 23/7, Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã tìm kiếm, quy tập được 6 hài cốt liệt sỹ ở làng Câu Nhi (thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng). Các hài cốt được tìm thấy nằm ở độ sâu hơn 1m, còn nhiều di vật như: Bình tông, lựu đạn, bút máy, đồng hồ... Hiện, Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ 584 đang tiếp tục mở rộng khu vực để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ…
Chăm lo cho gia đình chính sách
Tại Ninh Bình, dịp này, tỉnh trao tặng 29.438 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn với tổng số tiền 8,9 tỷ đồng. Ngoài chuyển quà của Chủ tịch nước đến tận tay các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ…, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn do lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đến thăm hỏi, trao quà đến gia đình chính sách, người có công.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất đã đi thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Khiếm (sinh năm 1930 ở tổ dân phố Đàm Khánh Đông, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp) và ông Phạm Xuân Hiệt (sinh năm 1952, xóm 3 Tây Sơn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) là bệnh binh 61%, nhiễm chất độc hóa học 41%.
Tại các gia đình đến thăm, ông Mai Văn Tuất bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân trước những cống hiến to lớn và mất mát hy sinh của mẹ liệt sỹ, thương, bệnh binh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời, khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn ghi nhớ, biết ơn sâu sắc đối với các cá nhân, gia đình có công với cách mạng. Đồng chí chúc mẹ liệt sỹ, thương, bệnh binh mạnh khỏe, nỗ lực khắc phục khó khăn, là chỗ dựa cho gia đình, luôn là tấm gương mẫu mực về mọi mặt trong cộng đồng khu dân cư. Các thành viên trong gia đình người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong phong trào Đền ơn, đáp nghĩa, tiếp tục chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 26.569 người có công đang được hưởng trợ cấp hằng tháng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi người có công tại địa phương, đơn vị. Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2024, 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; thân nhân liệt sỹ và người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công trên địa bàn toàn tỉnh.