Tấm gương về ý chí và nghị lực của người thương binh già

“Người lính già tuổi cao chí càng cao; tích cực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm; hiến kế làm kinh tế cho mọi người…” là những gì mà đồng đội và người dân địa phương nói về ông Trần Mạnh Mật, thương binh hạng 4/4, bệnh binh hạng 3/4, trú tại thôn 3, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo và hội viên Hội Cựu chiến binh xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang thăm vườn nhãn của cựu chiến binh Trần Mạnh Mật. 

Dù đã ở tuổi 70 cùng nhiều vết thương do chiến tranh để lại, cựu chiến binh Trần Mạnh Mật vẫn không ngừng lao động, phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp trẻ noi theo.

Cựu chiến binh Trần Mạnh Mật sinh năm 1954 tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1974, tròn 20 tuổi, ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch Tây Nguyên và sau này là chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ông Trần Mạnh Mật xúc động cho biết: “Trận đánh nào cũng ác liệt, có sự hy sinh mất mát. Tôi bị thương hai lần và may mắn được trở về, còn đồng đội tôi thì hy sinh rất nhiều. Mảnh đạn còn lại trong người thêm nhắc nhở tôi rằng bất cứ lúc nào, ở đâu cũng phải nỗ lực, cố gắng sống có ích. Bởi đơn giản tôi không chỉ sống cuộc đời của bản thân mà còn sống cả phần của những đồng đội đã ngã xuống...”.

Sau ngày đất nước giải phóng, đơn vị của ông là Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2 rút về tỉnh Tuyên Quang đóng quân và huấn luyện. Đến năm 1991, ông phục viên với chứng nhận thương binh hạng 4/4, bệnh binh hạng 3/4. Ông đã đón vợ con từ Thanh Hóa ra sinh sống và lập nghiệp ở Tuyên Quang.

Tại vùng đất mới, phát huy tinh thần "Bộ đội cụ Hồ", cựu chiến binh Trần Mạnh Mật quyết tâm gây dựng mô hình trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, ông không nản chí, miệt mài cải tạo đất, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò, lợn, gà và làm ao cá. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", lợi nhuận từ hoa màu, ông lại mua cây giống gieo trồng vụ tiếp theo và chăm sóc vật nuôi.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Trần Mạnh Mật chăn nuôi gà thịt và chim bồ câu đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Sau nhiều năm đầu tư sức người, sức của, giờ đây trang trại của ông đã cho hiệu quả kinh tế cao. Khu đất hoang rậm rạp năm nào nay thành vườn cây ăn quả xanh tốt với 100 cây mít, 100 cây nhãn, khoảng 300 cây quất hồng bì và hàng chục cây ăn quả như xoài, cam, bưởi trồng xen kẽ, đều đã cho thu hoạch. Ngoài ra, ông còn trồng trên 1ha keo, hơn 3.000m2 ao cá các loại, nuôi trên 100 con gà thịt, chim bồ câu và thử nghiệm nuôi ong lấy mật. Mỗi năm từ mô hình trang trại tổng hợp, trừ tất cả các chi phí và sinh hoạt, ông thu lãi gần 100 triệu đồng. Từ đó, ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, làm nhà cho 3 người con ra ở riêng, kinh tế gia đình thuộc dạng khá giả trong thôn.

Nói về quá trình làm kinh tế của mình, cựu chiến binh Trần Mạnh Mật cho biết đã lựa chọn nghề nông là phải kiên trì, chịu khó. Để chăm sóc có hiệu quả nhiều loại cây trồng, vật nuôi, ông Mật xây dựng kế hoạch chăm sóc cụ thể theo từng ngày, qua đó nắm rõ được tình hình, tính chất của từng loại. Đồng thời, ông Mật cũng không ngừng học hỏi và sẵn lòng chia sẻ với đồng chí, đồng đội của mình cùng tham gia phát triển kinh tế.

Là một trong những đồng đội được cựu chiến binh Trần Mạnh Mật chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông Nguyễn Đức Quảng, thôn 3, xã Lưỡng Vượng cho hay, khi bắt tay vào trồng cây ăn quả, gia đình ông được ông Mật hướng dẫn nhiệt tình từ việc chọn giống, chia sẻ những “bí kíp” riêng trong kỹ thuật để cây cho năng suất cao. Nhờ vậy, vườn cây ăn quả của gia đình ông Quảng phát triển tốt, tiêu thụ được giá, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn.

Ông Kiều Đức Mạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 3, xã Lưỡng Vượng cho biết, cựu chiến binh Trần Mạnh Mật là thương binh, bệnh binh tiêu biểu, là công dân gương mẫu của thôn. Ông Mật đã vượt lên khó khăn, xây dựng kinh tế gia đình phát triển, nuôi dạy con cái trưởng thành. Bên cạnh đó, ông luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, giúp đỡ nhân dân trong thôn phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng diện mạo nông thôn mới địa phương.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lưỡng Vượng, xã hiện có 550 hội viên cựu chiến binh, nhưng có tới 37 mô hình phát triển kinh tế. Số hộ là hội viên có thu nhập khá chiếm trên 71%, còn lại là hộ thu nhập trung bình, không có hội viên nghèo. Những cựu chiến binh, thương bệnh binh như ông Trần Mạnh Mật đã nêu cao ý chí, quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân trong xã.

Trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã sẽ tiếp tục phát hiện, nhân rộng nhiều mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tiêu biểu trong các tổ chức hội, động viên các hội viên phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, “thương binh tàn nhưng không phế”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà địa phương và tổ chức Hội đã đề ra...

Bài, ảnh: Hoàng Hải (TTXVN)
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thông báo về chương trình kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thông báo về chương trình kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thông báo hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) tổ chức vào thời gian phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN