Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang; lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên cùng đông đảo cựu chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc, nhân dân trên địa bàn.
Trong không khí trang nghiêm, thay mặt Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đọc điếu văn, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ - những người đã dành trọn tuổi xuân, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, chiến thắng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc có ý nghĩa rất to lớn nhưng tổn thất, mất mát chưa thể bù đắp được. Tại mặt trận Vị Xuyên, hàng ngàn chiến sỹ và nhân dân các dân tộc đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu với ý chí “Một tấc không đi, một ly không rời” quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”; hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ và đồng bào anh dũng hy sinh, phần lớn khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đặc biệt, ngày 12/7/1984, trong trận đánh khốc liệt giành các cao điểm 685, 1509, 772, 1030, ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 nhưng chỉ trong một ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sỹ thuộc Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh. Từ đó, ngày 12/7 hằng năm được coi như ngày “Giỗ trận” của những người lính trên mặt trận Vị Xuyên.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn khắc ghi công ơn và sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước; đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Đồng thời thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, khẩn trương rà phá bom mìn, vật nổ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Chiến tranh đi qua, nhân dân đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi khi tại mặt trận Vị Xuyên hiện còn trên 1.200 hài cốt liệt sỹ đang nằm nơi núi rừng sâu thẳm vẫn chưa được tìm thấy, chưa thể cất bốc và quy tập trở về với quê hương, gia đình, đồng đội.
Công tác tìm kiếm, quy tập gặp nhiều khó khăn vì sau hơn 40 năm, địa hình biến dạng, các tầng đất đá chịu tác động của những trận mưa pháo nên các căn hầm bị vùi lấp…
Với trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng được giao phó, cán bộ, chiến sỹ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang quyết tâm tổ chức tìm kiếm, khai quật. Từ năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm, cốc bốc, quy tập được trên 200 hài cốt liệt sỹ.
Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, bằng lòng thành kính, biết ơn vô hạn, các đại biểu dành phút mặc niệm, thực hiện trang trọng các nghi thức tiễn đưa 6 hài cốt liệt sỹ về nơi an nghỉ trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.
Dịp này, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã dự Lễ khánh thành điểm trường Khuổi Én, xã Thượng Bình (huyện Bắc Quang). Điểm trường Khuổi Én thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Bình được khởi công xây dựng vào tháng 3/2024. Điểm trường được xây dựng với tổng kinh phí trên 530 triệu đồng, do Đài Truyền hình Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), Quỹ tấm lòng Việt VTV, Nhóm thiện nguyện Xây Ước Mơ và một số tổ chức, cá nhân ủng hộ, tài trợ.