Nan giải phổ cập dạy bơi
Nhiều năm qua, tại Việt Nam, bơi lội chưa bao giờ được đưa vào nhà trường là một môn học chính thức để dạy học sinh, mặc dù nước ta có tới 3.260 km đường bờ biển, mật độ sông ngòi dày đặc và thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Bơi lội chỉ được xem là các môn năng khiếu, ngoại khóa và được dạy cho trẻ khi tham gia các khóa học ngoài nhà trường.
Bà Đặng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Một trong những bất cập hiện nay khiến tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao là do chương trình dạy bơi chưa triển khai trong trường học. Trong khi đó mục tiêu của Quyết định số 234/QĐ - TTg ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, việc quy hoạch thiết chế văn hóa cấp huyện chưa có hạng mục bể bơi. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy bơi, học bơi còn khó khăn.
Cần phổ cập dạy bơi trong trường học. |
Đã nhiều năm công tác tại Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết: Từ năm 2009 - 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án dạy bơi cho trẻ em và phổ cập bơi trong trường học nhưng không được phê duyệt vì không đảm bảo nguồn ngân sách xây dựng bể bơi. Sau đó, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố cố gắng bằng mọi điều kiện của địa phương để dạy bơi cho học sinh nhưng không có đề án chính thống.
Cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, đảm bảo 100% số trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa và đến năm 2020 sẽ phổ cập bơi thành công cho học sinh phổ thông. Chiến lược đã có, lộ trình thực hiện cũng đã được đưa ra nhưng đến nay, đã quá nửa chặng đường, đích đến của công tác phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn quá xa.
Đa số các trường không thể tổ chức dạy bơi cho học sinh một cách bài bản và thường xuyên một phần là do thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên có thể dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh còn rất ít; phần khác quan trọng hơn là không có kinh phí và mặt bằng để xây bể bơi.
Cần quyết tâm của lãnh đạo địa phương
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Với điều kiện đất nước còn khó khăn, nếu cứ chờ đủ điều kiện cơ sở vật chất mới tiến hành dạy bơi thì phải mất nhiều năm nữa, việc phổ cập bơi cho trẻ mới có thể thực hiện được. Trong khi, nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Do vậy, việc dạy bơi cho trẻ em hiện nay cần linh hoạt, không nhất thiết phải xây bể bơi mới dạy bơi cho trẻ. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ. Đối với các bể bơi sẵn có, cần huy động các tổ chức từ thiện hỗ trợ một phần tiền phí học bơi cho trẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng An cho rằng: Việc dạy bơi cho hàng triệu trẻ em là việc cần làm ngay, không thể chờ đến khi có bể bơi đạt tiêu chuẩn, nước đạt chất lượng, giáo viên có trình độ sư phạm, dạy đúng kỹ thuật. Đơn giản là cần trang bị kỹ năng sống sót cho trẻ.
Theo ông Nguyễn Trọng An, hiện nay, việc dạy bơi, học bơi chỉ phát huy hiệu quả khi lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực sự quan tâm đến vấn đề này. Điều này cho thấy, vấn đề kinh phí chưa phải quan trọng nhất mà sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương mới đem lại hiệu quả cho chương trình dạy bơi, học bơi. Ví dụ mô hình dạy bơi tại An Giang, nhiều năm qua đã duy trì được việc dạy bơi cho trẻ em trong nhà trường và ngoài cộng đồng. Theo đó, bên cạnh những nơi có điều kiện xây dựng bể bơi, An Giang vẫn duy trì dạy bơi cho trẻ em tại các vùng khó khăn bằng các lồng bơi bằng lưới…
“Để việc dạy bơi cho trẻ đạt hiệu quả, cần tăng cường chỉ đạo phổ cập bơi trong trường tiểu học, trung học cơ sở, đưa môn học bơi vào chương trình dạy học giáo dục thể chất; ban hành các quy định, khuyến khích học sinh tự học bơi, đưa vào điểm rèn luyện thân thể của học sinh”, bà Đặng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, đề xuất.