Tăng cường vai trò của truyền thông trong thúc đẩy di cư an toàn, bình đẳng

Chiều 13/7, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về tăng cường vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tuyên truyền tới các trường hợp có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc quay về địa phương. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền và cơ hội của lao động nữ di cư trong ASEAN.

Theo ông Lương Thanh Quảng, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục nghìn người du học, kết hôn với người nước ngoài. Trong thời gian đại dịch, số lượng người di cư theo các kênh chính thống giảm, trong khi đó tình trạng di cư trái phép vẫn diễn biến phức tạp mặc dù kiểm soát biên giới và các biện pháp hạn chế nhập cảnh đã được tăng cường.

“Trước tình hình trên, việc tiếp tục thông tin đầy đủ và chính xác về các vấn đề di cư có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, ngăn chặn di cư trái phép, mua bán người, bảo vệ quyền của người di cư trong suốt quá trình di cư, đặc biệt là lao động nữ di cư. Đây là vai trò quan trọng của truyền thông đã được nêu tại Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM)”, ông Lương Thanh Quảng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm với ông Lương Thanh Quảng, bà Valentina Barcucci, Quản lý Văn phòng ILO tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng, thể hiện qua việc ban hành các khuôn khổ pháp luật chính sách quan trọng, đặc biệt là Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM. Bên cạnh đó, vai trò của Bộ Ngoại giao rất quan trọng trong tiến trình này, đảm bảo Kế hoạch triển khai thỏa thuận GCM được thông qua và thực hiện. Nỗ lực này đã có tác động đáng kể trong việc đảm bảo di cư an toàn và bình đẳng, tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa đến được với mọi người dân một cách công bằng.

Bà Valentina Barcucci cảnh báo, lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới trong tiến trình di cư. Phụ nữ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới và chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trên cơ sở giới vốn đã hiện hữu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.

Từ thực trạng trên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả nội dung đưa tin và cách thức đưa tin về di cư thực sự quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi phương tiện thông tin truyền thống và truyền thông xã hội ngày càng phổ biến trong cuộc sống.

“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan truyền thông báo chí tham gia tích cực hơn và có trách nhiệm hơn trong việc chấm dứt bạo lực đối với lao động nữ di cư”, bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, ILO, UN Women và các cơ quan truyền thông đã có những trao đổi để đưa ra những giải pháp có thể hỗ trợ lẫn nhau, qua đó tạo mạng lưới phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về di cư, góp phần thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/3/2020, vì quyền và lợi ích của người di cư.

Việt Đức (TTXVN)
Hành trình dài tới sự bình đẳng
Hành trình dài tới sự bình đẳng

Khi phong trào đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ Apartheid, chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc nhất trong lịch sử thế giới, đang diễn ra rầm rộ ở Nam Phi đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, chị Jabulile Sangweni còn là một sinh viên da đen tuổi đôi mươi đầy hoài bão và khát khao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN