Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 99 vụ tai nạn giao thông, làm chết 93 người, bị thương 90 người, tăng cao so với năm 2022. Trước thực trạng đó, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các cơ quan chức năng có giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, trước mắt là trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024.
Cụ thể, năm 2023, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng 34 vụ, 25 người chết và 48 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có một vụ đặc biệt nghiêm trọng, 10 vụ rất nghiêm trọng, 72 vụ nghiêm trọng; thiệt hại tài sản ước tính gần 1 tỷ đồng. Địa điểm xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) và Quốc lộ 24 (65/99 vụ); tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số cũng chiếm tỷ lệ cao (50/99 vụ).
Ông Phan Mười, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum phân tích, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông tăng là do nhu cầu vận tải của người dân tăng cao; các phương tiện lưu thông qua tỉnh chủ yếu trên hai tuyến đường Quốc lộ 24 và đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) song hai tuyến đường này có nhiều đoạn quanh co, dốc cao, mặt đường hẹp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh dù đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nhu cầu đi lại của người dân; mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông phân bổ không đều.
Về nguyên nhân chủ quan, ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, mang tính đối phó; tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số xảy ra nhiều. Các vụ tai nạn phần lớn đều do tính chủ quan, điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng bia, rượu, không làm chủ tốc độ, đi không đúng làn đường…
Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong khung từ 18 – 24 giờ hằng ngày trên các tuyến Quốc lộ chính; chú trọng xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tại Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khoá XII mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng, việc đề ra các giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức, triển khai và thực hiện các giải pháp như thế nào. Giảm tai nạn giao thông không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát giao thông; đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, có thể đưa vào chương trình hành động, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành văn bản số 4465/UBND-HTKT, trong đó yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; nâng cao ý thức, văn hóa giao thông; chủ động tham gia giao thông an toàn, kiên trì thực hiện “đã uống rượu, bia - không lái xe”, “không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện”, “thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”, “tuân thủ quy định về tốc độ”.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng, Công an các huyện, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm; chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; không đi đúng phần đường, làn đường; dừng đỗ phương tiện không đúng quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy…