Đây là dịp để các chuyên gia, lãnh đạo tổ chức Công đoàn các tỉnh, thành phố trong cả nước trao đổi, thảo luận tìm giải pháp kiện toàn, sắp xếp lại các Trung tâm Tư vấn pháp luật cùng với các cơ sở đào tạo nghề; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của các văn phòng và tổ tư vấn pháp luật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mô hình Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ người lao động là một trong những giải pháp đột phá trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Trong đó, trọng tâm của hoạt động là các chương trình phúc lợi cho người lao động; hỗ trợ, tư vấn, khởi kiện, giải quyết tranh chấp; đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên mạnh như: Luật sư, tư vấn viên, hòa giải viên… hỗ trợ cho người lao động. Bên cạnh đó, mục tiêu của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ người lao động còn hướng đến chuyên nghiệp hóa cán bộ Công đoàn trong việc hỗ trợ người lao động; đặc biệt là thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ người lao động; phấn đấu đến năm 2023 có 65% số vụ việc của đoàn viên, công đoàn có đại diện tổ chức Công đoàn tham gia, 70% người lao động có nhu cầu hỗ trợ được tổ chức Công đoàn đáp ứng...
Bà Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh: Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thành lập các Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ người lao động là thực hiện công khai, dân chủ, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Tại hội thảo, ông Tiêu Tiến Dũng, đại diện Văn phòng Friedrich-Ebert-Stiftung tại Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm trong tổ chức tư vấn pháp luật và bảo trợ pháp lý của Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB) mà cụ thể là hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo trợ pháp lý Liên hiệp Công đoàn Đức từ khi thành lập năm 1998 đến nay. Với hơn 110 văn phòng và 44 điểm liên hệ khác, Công ty đã giải quyết khoảng 120.000 trường hợp liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật xã hội, luật hành chính mỗi năm. Năm 2020, Công ty đã giúp đòi được quyền lợi cho đoàn viên, công đoàn với tổng số tiền là hơn 260 triệu Euro.
Tham gia hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm theo mô hình trước đây; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình Trung tâm theo mô hình mới. Để Trung tâm phát huy hiệu quả hoạt động, nhiều đại biểu cho rằng, cần có cán bộ chuyên trách, am hiểu chính sách pháp luật; có sự thống nhất, quyết liệt bằng văn bản khung từ Tổng Liên đoàn; cần xác định tên gọi cụ thể, chính xác, chức năng, nhiệm vụ bởi hoạt động hỗ trợ người lao động có nội hàm rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực, nội dung, hoạt động và liên đới đến nhiều cơ quan chức năng quản lý nhà nước khác nhau…
Hiện, cả nước có 14 Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ người lao động; trong đó có 12 trung tâm hoạt động theo mô hình cũ và hai trung tâm thành lập theo mô hình mới ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Bắc Ninh. Các trung tâm này có chức năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện công tác đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; đồng thời, thực hiện các chương trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ cho đoàn viên, người lao động.
Nhiệm vụ của Trung tâm là tư vấn pháp luật lao động và công đoàn miễn phí cho đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở; đại diện người tố tụng, hòa giải, giúp đỡ thủ tục hành chính, khiếu nại; đại diện người lao động, tập thể người lao động tham gia tố tụng tại tòa án. Ngoài ra, các trung tâm còn tham gia tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; tư vấn hỗ trợ công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở; tìm kiếm nguồn lực, phối hợp, ký kết các chương trình phúc lợi, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người lao động; tổ chức các lớp huấn luyện, phục vụ các sự kiện của tổ chức Công đoàn; tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng chính sách về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ...