"AI không thể thay cho con người chịu trách nhiệm"
Bà Lê Phương Hà, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Do đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã cho ra đời Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Câu chuyện về năng lực số đang được nói đến nhiều. Nếu chúng ta không tự mình trau dồi năng lực số để có thể làm chủ tất cả tư duy, hành động trên không gian số, sẽ khó có thể trở thành một phần trong lịch sử phát triển của đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 02 quy định về khung năng lực số cho người học. Các cơ sở giáo dục hiện nay đều đang nỗ lực nâng cao kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, để các em có cơ hội tiếp cận những tri thức mới, từ đó hình thành năng lực số cho bản thân”, bà Lê Phương Hà cho biết.
Tư vấn giới thiệu ứng dụng công nghệ mới trong tuyển dụng tới giới trẻ.
PGS.TS Hà Minh Hoàng, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Trường Công nghệ - ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, kỹ năng số, năng lực số không chỉ là một năng lực phụ trợ, mà đang là kỹ năng sống còn, sinh tồn, giúp thế hệ thanh thiếu niên phát triển và không bị bỏ lại phía sau.
Đơn cử, trong vấn đề tương tác hàng ngày, hiện nay, thế hệ trẻ có thể ngồi một chỗ, nhưng giao tiếp với toàn thế giới thông qua Google Meet hay các nền tảng trực tuyến khác. Các bạn trẻ cũng có thể thể hiện bản thân qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram và gần như mỗi người đều có phiên bản số của chính mình.
Trong lĩnh vực học tập, nhiều sinh viên cũng quan tâm đến ứng dụng công nghệ số vào học tập, nghiên cứu. Có thể thấy, thời đại số tạo ra nhiều cơ hội giúp thanh thiếu niên có cơ hội học tập, phát triển bản thân tốt hơn. Người trẻ ở Việt Nam hoàn hoàn có thể học với các giáo sư hàng đầu thế giới thông qua các nền tảng như Coursera hay EDX…
Trong tìm kiếm việc làm, thay vì phải nộp hồ sơ cứng, sau đó là file PDF như trước đây, thế hệ trẻ hiện có thể gửi đến nhà tuyển dụng những CV online, website cá nhân… Còn trong khởi nghiệp, PGS.TS Hà Minh Hoàng lấy ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), để làm ra một sản phẩm phần mềm, trước đây cần đến 10 kỹ sư, hiện nay với sự hỗ trợ của AI sẽ chỉ cần 2 người.
Do đó, nhiều người lao động đang lo lắng sẽ bị sa thải và thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Với những người còn hoài nghi về AI hay chưa sử dụng AI cũng nên tìm hiểu và học cách tận dụng sức mạnh của AI.
"Tuy nhiên, thời gian gần đây, có những bạn trẻ đang phụ thuộc khá nhiều vào AI, không chủ động, sáng tạo, điều này khá nguy hiểm. Cần hiểu bản chất và giới hạn của AI. AI không thể thay con người chịu trách nhiệm, vẫn sai sót, hạn chế về tính toán, đôi khi sai cơ bản. Do đó, thế hệ trẻ cần học cách đồng hành, làm chủ, biến AI thành trợ lý phục vụ công việc và đời sống hiệu quả hơn”, PGS.TS Hà Minh Hoàng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới đạo đức AI. Đây là vấn đề đang được tranh luận nhiều trên thế giới, những người làm về AI đang theo đuổi. Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sinh viên cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội, học cách sử dụng AI hiệu quả, có đạo đức, phục vụ tốt nhất cho công việc, tránh đi theo lối mòn...
Ưu tiên tuyển dụng lao động kỹ năng
Ông Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp “săn đón” với mức lương cao phụ thuộc nhiều vào năng lực số, tư duy và khả năng làm việc nhóm.
Một phiên giao dịch việc làm lưu động tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 02 quy định về khung năng lực số cho người học với 6 miền năng lực và 24 kỹ năng số. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến kỹ năng về ứng dụng AI. Bộ GDDT cũng như các trường đại học cũng quan tâm tới việc tích hợp kỹ năng số vào các chương trình đào tạo chính quy, bổ sung, để sinh viên sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động ngày càng khốc liệt.
Bên cạnh đó, khi làm bất kỳ công việc gì cũng cần nghĩ cách làm khác, tránh đi theo lối mòn, cần tìm con đường mới, cách thức mới và luôn đặt câu hỏi về những gì đang diễn ra.
Còn theo bà Nguyễn Bích Vân, Trưởng phòng Nhân sự Navigos Group, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc bùng nổ trí tuệ nhân tạo đã thay đổi căn bản cách sống và làm việc cũng như ảnh hưởng lớn đến xu hướng việc làm. Ngoài sự thay đổi của những công việc hiện tại, thị trường lao động cũng đã và đang xuất hiện thêm nhiều công việc mới, cách thức làm việc, cách quản lý vận hành mới trong doanh nghiệp.
Theo một khảo sát mới đây của Navigos với hơn 500 doanh nghiệp cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp hiện nay đang chú trọng tuyển dụng nhân sự trong mảng kinh doanh và bán hàng, đặc biệt là những nhân sự có từ 2-3 năm kinh nghiệm, bởi đây là lực lượng trực tiếp tạo ra doanh thu, mở rộng khách hàng, mở rộng thị trường. Tiếp đó là những ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin và phần mềm, mảng công việc có xu hướng chuyển đổi số để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhóm ngành thứ 3 chiếm khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng liên quan đến tiếp thị số, digital marketing và truyền thông. Sở dĩ nhu cầu nhóm ngành nghề này lớn do các doanh nghiệp chú trọng đến tiếp cận khách hàng thông qua các kênh số, đẩy mạnh thương hiệu doanh nghiệp.
Về mong muốn của nhà tuyển dụng đối với ứng viên, theo bà Nguyễn Bích Vân, nếu như giai đoạn trước đây các nhà tuyển dụng coi trọng những kỹ năng cứng để đáp ứng được nhu cầu thực tế của công việc, hiện nay, kỹ năng mềm là một tiêu chí quan trọng. Một số kỹ năng mềm cốt lõi doanh nghiệp đang tìm kiếm, giúp ứng viên trong doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích nghi với những thay đổi, tạo ra giá trị một cách nhanh chóng hay có khả năng giải quyết vấn đề là kỹ năng tự trau dồi, tự nâng cấp.
Bên cạnh đó, sự thành thạo về ngoại ngữ cũng là bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Ngoại ngữ giúp người lao động dễ dàng hòa nhập với các mô hình doanh nghiệp đa văn hóa. Tiếp đó là tư duy sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo đã giúp con người thay đổi, có thể làm thay ở một số công đoạn trong quá trình làm việc, tuy nhiên tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề vẫn là yếu tố vô cùng cốt lõi khiến mỗi lao động có những lợi thế cạnh tranh khác nhau, từ đó tạo ra sự khác biệt trong từng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Để tăng cơ hội việc làm, bà Nguyễn Bích Vân cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp không dùng từ "tuyển dụng", mà chuyển sang "thu hút nhân tài", "thu hút tài năng", bởi các bạn trẻ có những kỹ năng, kiến thức tốt và có nhiều cơ hội việc làm khác nhau. Điều quan trọng trước tiên là thái độ cầu thị, hướng đến việc tự học. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng đang rất chú trọng đến sự chuẩn bị sớm của ứng viên, người trẻ đừng chỉ tập trung học lên cao, sau khi hoàn thành mới bắt đầu tìm kiếm việc làm. Hiện nay có nhiều loại hình công việc như part-time, làm việc từ xa... người trẻ có thể làm để tích lũy kinh nghiệm. Cũng từ những trải nghiệm đó, mỗi người sẽ nhận ra đâu là những ngành nghề phù hợp với sở trường, mong muốn, định hướng của bản thân.