Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2014, có dịp trở lại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - địa phương được Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội bảo trợ hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay lớn lao về hạ tầng cơ sở cũng như đời sống của người dân nơi đây. Những chiếc ô tô, xe máy chạy bon bon trên con đường trục liên thôn trải bê tông phẳng lì, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày được sửa sang, xây mới. Trong niềm hân hoan chào đón năm mới, các bà, các chị nô nức xuống chợ mua sắm hàng hoá, chuẩn bị cho một cái Tết thật đủ đầy, no ấm.
Nông dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào thu hái chè. Ảnh: baotuyenquang.com.vn |
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, cho biết: Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2013, xã Tân Trào đã hoàn thành 14/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng sản lượng lương thực trên địa bàn xã đạt trên 2.673 tấn, tăng hơn 200 tấn so với năm 2011; lương thực bình quân đầu người đạt hơn 612 kg/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2011 là 34,59%, nay đã giảm xuống còn 6%.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của người dân, xã Tân Trào đang triển khai xây dựng và hoàn thành các quy hoạch, đề án, dự án phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, Dự án hỗ trợ xóa nhà tạm trên địa bàn xã với mức hỗ trợ 32 triệu đồng/nhà là một việc làm rất thiết thực, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng cao trong nhân dân, đến nay xã đã hỗ trợ xóa được 200 nhà tạm, nhà dột nát.
Trong ngôi nhà mới khang trang, anh Phạm Văn Thao, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ từ đời ông bà để lại. Trải qua thời gian, ngôi nhà bị hư hỏng, mục nát. Khổ nhất là mỗi khi trời mưa, đang nằm ngủ, cả nhà phải dậy căng bạt tránh nước mưa dột xuống giường, cuộc sống vô cùng vất vả. Đến tháng 6/2013, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ xóa nhà tạm của xã hỗ trợ 32 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, bạn bè, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố rộng hơn 70m2. Từ khi có nhà mới, chúng tôi rất yên tâm lao động sản xuất. Tết năm nay, gia đình tôi đã chuẩn bị lợn, gà để mời anh em bạn bè tới ăn mừng nhà mới”.
Ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống cho nhân dân trong xã, Tân Trào đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành các mục tiêu trên, lãnh đạo xã Tân Trào đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; phát triển các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh ở địa phương, như: chè, gạo, lợn rừng lai, gà thả vườn...
Mô hình Hợp tác xã sản xuất Chè Vĩnh Tân của xã được thành lập từ tháng 5/2013, với 26 xã viên và có 27ha chè. Tuy mới được thành lập nhưng hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè Vĩnh Tân, từ đó thu nhập của người dân trồng chè trong thôn được nâng lên đáng kể. Năm 2012, thôn có 24 hộ nghèo, đến cuối năm 2013 số hộ nghèo trong thôn đã giảm xuống chỉ còn 2 hộ.
Ông Phạm Văn Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất Chè Vĩnh Tân vui mừng cho biết: Sau khi thành lập được 5 tháng, Hợp tác xã đã có sản phẩm tham gia Liên hoan Festival Chè Thái Nguyên và đoạt Cúp đồng Hội thi “Búp chè vàng”. Từ khi có thương hiệu trên thị trường, đời sống của bà con được nâng lên rất nhiều. Nếu như trước đây khi chưa có thương hiệu, 1kg chè Vĩnh Tân chỉ có giá từ 100 – 120.000đồng/kg, thì sau khi có thương hiệu, chè Vĩnh Tân có giá từ 180 – 200.000 đồng/kg, thậm chí loại đặc biệt có giá 300.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Hiện nay, thu nhập bình quân của người trồng chè thôn Vĩnh Tân đạt khoảng từ 80 – 140 triệu/hộ/năm. Thời gian tới, Hợp tác xã xây dựng 2 xưởng chế biến chè với tổng diện tích trên 10.000 m2, vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng; trong đó, hợp tác xã được hỗ trợ vay không tính lãi 3 tỷ đồng trong 5 năm và huy động vốn của địa phương là 5 tỷ đồng.
Đến nay, xã Tân Trào đã bê tông hóa được 25,5 km đường giao thông, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được bê tông hóa đạt trên 70%; 8/8 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao. Các công trình thủy lợi trên địa bàn xã được hỗ trợ xây dựng, cải tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất; các trường học trên địa bàn xã đều đạt trường chuẩn Quốc gia. Công tác vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chuyển biến từng ngày.
Một mùa xuân mới lại về, với sự quan tâm, bảo trợ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền xã và sự tích cực tham gia của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tân Trào - Thủ đô kháng chiến, đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn.
Quang Cường