Sức trẻ của thành phố anh hùng

“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”

Vào những ngày này cách đây 60 năm, thung lũng Mường Thanh đang diễn ra những trận đánh cuối cùng, giờ cáo chung của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sắp đến. Khắp lòng chảo Điện Biên trắng xóa một màu cờ xin hàng, phế cụ chiến tranh ngổn ngang từng đống lớn, nhỏ. Nhân dân Mường Thanh dìu nhau trở về bản cũ, dựng tạm ngôi nhà trên nền đất đã bị thực dân Pháp biến thành những hầm ngầm, lô cốt...

Nhưng hôm nay, nếu ai có dịp về thăm chiến trường xưa sẽ chứng kiến quang cảnh thành phố Điện Biên Phủ như một rừng hoa, bộ mặt đô thị khang trang như đang khoác trên mình một bộ áo mới. Các công trình lớn, nhỏ mọc lên, biểu thị cho sức trẻ của một thành phố đang trên đà phát triển. Trên khắp nẻo đường, góc phố rực rỡ cờ hoa.

Một góc cánh đồng Mường Thanh nằm trong thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


* Sức vươn của thành phố anh hùng

Năm 1990, khi tỉnh lỵ Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) được chuyển về vùng đất lịch sử để tránh thảm họa lũ ống, lũ quét ở Mường Lay, thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố Điện Biên Phủ) được thành lập trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh của huyện Điện Biên (cũ) nghèo miền núi, với dân số 25 ngàn người; giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội đơn sơ.

Song với tinh thần và khí phách anh hung cách mạng, với niềm hứng khởi được "an cư lạc nghiệp" lâu dài, nên chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ và đồng bào các dân tộc nơi đây đã "đồng tâm hiệp lực" nhanh chóng biến cải vùng đất này trở thành đô thị loại III (năm 2003).

Trải qua hơn 20 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, đến nay thành phố Điện Biên Phủ đã có bước phát triển vượt bậc, vững chắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.

Hiện thành phố có hơn 70 nghìn người và 9 đơn vị hành chính với tổng diện tích trên 6.420 ha. Nhưng ngoài ấn tượng là một thành phố du lịch có kết cấu điện - đường - trường - trạm khá hiện đại, mang dáng dấp đặc thù của kiến trúc miền núi Tây Bắc, điều kỳ diệu nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân giai đoạn 2011 – 2013 đạt 16,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người là 2.921 USD/năm, số hộ nghèo chỉ còn 0,83%.

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã tăng qua các năm: 2011 là 136 tỷ đồng, 2012 là 150 tỷ đồng, 2013 là 170,5 tỷ đồng và phấn đấu trong năm nay đạt 181 tỷ đồng.

Lý giải về những điều "kỳ diệu" đã diễn ra trên vùng đất lịch sử này, ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Ngay từ Đại hội lần thứ nhất (1993-1998), Đảng bộ thành phố đã xác định phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch là chủ đạo. Từ Nghị quyết đúng đắn đó, cán bộ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng cụ thể hóa những chương trình hành động vào thực tế địa phương một cách sống động. Vì vậy đã tạo ra những bước tiến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tỷ trọng thương mại - dịch vụ cho tới thời điểm này đã chiếm trên 62%, công nghiệp - xây dựng 34,7%, nông - lâm nghiệp chỉ còn 3,3%.

Nếu như trước năm 2000, nền kinh tế của thành phố vẫn nặng về "tự cấp tự túc", ngày nay tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.825 tỷ đồng.

Từ một vùng sản xuất thuần nông những năm 90 của thế kỷ XX, người dân thành phố Điện Biên Phủ đã vươn lên bắt nhịp với cuộc sống đô thị. Trước đây khi còn là thị xã, duy nhất phường Mường Thanh là trung tâm thương mại của tỉnh Điện Biên, đến nay kinh tế của các phường, xã của thành phố đã có sự phát triển đồng đều theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Toàn thành phố Điện Biên Phủ hiện có gần 5.000 hộ tham gia kinh doanh thương mại dịch vụ với tổng số vốn đăng ký 2.860 tỷ đồng, thu hút trên 20.800 lao động; sức mua của người tiêu dùng ngày một tăng.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người Điện Biện hôm nay như đang dồn hết tâm huyết, nỗ lực trong lao động sản xuất để dựng xây thành phố trẻ anh hùng. Từ trên nền chiến trường cũ, một thành phố đang vươn lên với sức vươn Phù Đổng, với điện sáng chân mây, đường về các ngả, bệnh viện, trường học, điểm văn hóa... mọc lên từng ngày. Chỉ tính riêng trong năm 2013, thành phố Điện Biên Phủ đã đón hơn 200.000 lượt du khách về tham quan, du lịch, với tổng doanh thu ước đạt 211 tỷ đồng.

* Hẹn ước tháng 5


Đến với thành phố Điện Biên Phủ hôm nay, du khách sẽ thực sự ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của một đô thị mang dáng vẻ hiện đại. Để trở thành đô thị loại II thuộc tỉnh Điện Biên vào năm 2015 và là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thành phố Điện Biên Phủ đã và đang nêu cao truyền thống đoàn kết, phát huy nội lực, nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh đổi mới.

Thành phố Điện Biên Phủ xác định tiếp tục phấn đấu, đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và theo hướng: Phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ổn định chính trị và duy trì trật tự xã hội.

Cụ thể, thành phố phấn đấu GDP đạt 3.380 USD/người; cơ cấu kinh tế thương mại – dịch vụ - du lịch 58%, công nghiệp – xây dựng 39%, nông nghiệp – lâm nghiệp 3%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đạt 2.960 tỷ đồng; giá trị xây dựng cơ bản bình quân đạt 1.000 tỷ đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt từ 215 – 230 tỷ đồng; 100% phường, xã có bác sĩ và đạt chuẩn quốc gia về y tế...

Tháng 5 sắp đến, thay cho lời hẹn ước đinh ninh, thành phố Điện Biên Phủ lại đang sáng lên màu trắng của hoa ban mời gọi du khách. Trên những cung đường đèo dốc, du khách sẽ được đắm mình trong lòng chảo Điện Biên, trong hương thơm ngan ngát của lúa xuân lan tỏa từ các chân ruộng cao sản.


Nguyễn Cường - Xuân Tiến
Ký ức Điện Biên của “Đại đội trưởng đầu trọc”
Ký ức Điện Biên của “Đại đội trưởng đầu trọc”

Chúng tôi có dịp được gặp Trung tướng Lê Nam Phong tại nhà riêng của ông trên đường Thống Nhất (quận Thủ Đức) vào giữa tháng 3 - khi cái nắng hè Sài Gòn đang gay gắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN