Phong trào đã huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và toàn dân tham gia công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
Mỗi một giai đoạn lịch sử, công tác xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy có những đặc thù phù hợp yêu cầu thực tế. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, nội dung của phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy gắn liền với các nhiệm vụ trọng yếu của ngành Công an là đấu tranh phòng chống gián điệp, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngụy trang, sơ tán tài sản, chữa cháy xóa mục tiêu bắn phá của địch, bảo vệ thành quả sản xuất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.
Đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến năm 1986, phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy tiếp tục phát triển với nhiệm vụ bảo vệ sản xuất và bình yên cuộc sống nhân dân, góp phần khôi phục đất nước sau chiến tranh. Thời kỳ này, phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy phát triển mạnh ở các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, nhất là ở khu vực thành thị, khu công nghiệp. Để kiện toàn mạng lưới các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám địa bàn, cơ sở, tập trung tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy của quần chúng, bảo đảm cho lực lượng này đủ sức gánh vác công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, khu dân cư.
Bước vào thời kỳ đổi mới, để phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, huy động toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy phát triển lớn mạnh. Ngày 29/6/2001, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy tại Kỳ họp thứ 9. Đây là văn bản pháp lý cao nhất về phòng cháy, chữa cháy, thể hiện tính kế thừa, tính thực tiễn dựa trên cơ sở yêu cầu phát triển của đất nước với những nguyên tắc mang tính khoa học, tính quần chúng cao, thể hiện vai trò to lớn của nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tự nguyện, tự phòng, tự quản
Về nguyên tắc hoạt động, Luật Phòng cháy và chữa cháy xác định phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy; quy định nguyên tắc: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ”. Luật quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Từ khi có Luật Phòng cháy và chữa cháy, công tác xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy đã được triển khai chặt chẽ và thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Cùng với Luật Phòng cháy và chữa cháy, nhiều văn bản pháp lý của Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Điển hình như Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội đều nhấn mạnh nội dung xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm sâu rộng; gắn liền với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm bốn tại chỗ, trong đó xác định xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy trên cơ sở lấy lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành là nòng cốt…
Kết quả hơn 20 năm thực hiện Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy đã khẳng định đây là đợt cao điểm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, là Ngày hội phòng cháy, chữa cháy của toàn dân. Bước chuyển biến rõ nét là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được quan tâm sát sao; sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân làm cho diện mạo công tác phòng cháy, chữa cháy có nhiều thay đổi tích cực. Ý thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu, người quản lý lao động, người lao động và người dân được nâng cao.
Đặc biệt, sự phát triển mạnh của phong trào đã hình thành nhiều mô hình hay, công việc tốt được người dân phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành lập, duy trì hoạt động như mô hình Đội chữa cháy tình nguyện dưới chân núi Lang Biang (Lạc Dương, Lâm Đồng); Đội chữa cháy từ thiện của nông dân xã Hòa Lạc, huyện Tân Phú, An Giang; mô hình "Nhà tôi có bình chữa cháy" của phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; mô hình "Cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy" của thành phố Hải Phòng; tổ Liên gia về phòng cháy, chữa cháy của Bắc Ninh...
Nhiều nơi, nhân dân đã tự phá dỡ, giải tỏa lấn chiếm, tạo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn; dọn đường cho xe chữa cháy cơ động; đóng góp kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy… Những phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy tuy có nhiều tên gọi cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, nhưng tựu chung đều mang sứ mệnh bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nên đã được người dân đồng thuận, ủng hộ và được lan tỏa, nhân rộng ra toàn quốc.
Góp phần ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng
Từ phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm cứu người gây xúc động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, được người dân tôn vinh là những "người hùng", được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen thưởng như anh Trung Văn Nam, ở Hoàng Mai, Hà Nội, khi phát hiện có người mắc kẹt trong đám cháy nhà dân đã không quản ngại nguy hiểm, tiếp cận đám cháy, cứu sống một cháu 14 tuổi, được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tặng Bằng khen...
Hiện cả nước có 80.559 đội dân phòng, với 824.184 đội viên; 325.087 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, với 2.321.061 đội viên; có 460 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, với 8.540 đội viên. Lực lượng dân phòng và phòng cháy, chữa cháy cơ sở phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra hằng năm, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ: Qua hơn 2 thập kỷ thực hiện Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy, có thể khẳng định, hoạt động phòng cháy, chữa cháy của nhân dân đã đi vào nền nếp, có chiều sâu, hiệu quả. Phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành "cánh tay nối dài" của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, khu dân cư và trở thành một bộ phận quan trọng của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.