Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động:
Xây dựng kịch bản ứng phó theo 4 cấp độ
Từ sóng dịch đầu tiên, cuối tháng 1/2020, các cơ quan báo chí ngay lập tức chịu tác động, trong đó có Báo Lao Động. Kinh tế báo chí vốn đã khó khăn vì sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng mạng xuyên biên giới, nay lại càng khó khăn hơn. Doanh thu nhiều cơ quan báo chí bắt đầu sụt giảm, có đơn vị giảm 30-50%.
Khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhưng làm thế nào để giảm thiểu khó khăn, hạn chế sự tác động tiêu cực của dịch bệnh là bài toán nan giải đối với các cơ quan báo chí, Lao Động cũng không ngoại lệ.
Trong hơn 1,5 năm qua, bằng sự đồng lòng, bằng những quyết sách vừa nhanh chóng, mạnh mẽ, Báo Lao Động đã thực hiện tốt mục tiêu kép. Cụ thể, đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó có đợt cao điểm tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Báo cân nhắc, tính toán và sáng tạo một số hướng đi mới trong việc kết hợp thực hiện nội dung với kinh tế báo chí nhằm thích ứng với điều kiện khó khăn chưa từng có.
Đặc biệt, chúng tôi xác định mục tiêu ứng phó với dịch bệnh, làm sao để đảm bảo an toàn cho mỗi phóng viên, từng người lao động là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, số 1. Bởi, tất cả các thành tựu, kết quả khác có nguy cơ “mất trắng” nếu để dịch bệnh len lỏi vào cơ quan.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Báo Lao Động đã xây dựng kịch bản ứng phó theo 4 cấp độ. Từ cấp 1: Cán bộ, phóng viên đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, đo thân nhiệt 2 lần/ngày tại cơ quan,... đến cấp độ 4: Trong tòa soạn có ca F0, giãn cách và làm việc online 100%. Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng cấp độ 3 trong kịch bản. Theo đó, tòa soạn thực hiện giãn cách, làm việc theo hình thức trực tuyến; chỉ cán bộ chủ chốt và các đầu mối đến cơ quan làm việc.
Ngay khi có dịch, báo đã trang bị đầy đủ buồng khử khuẩn, cấp phát định kỳ khẩu trang, nước sát khuẩn, kính chắn giọt bắn và đồ bảo hộ cho phóng viên. Thường xuyên phun khử khuẩn tòa soạn. Yêu cầu thực hiện nghiêm quy tắc phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; giao trách nhiệm đảm bảo an toàn cho phóng viên, người lao động đến từng lãnh đạo cấp Ban.
Sóng dịch lần thứ 4, tòa soạn xác định, đây là “nguy”, nhưng trong “nguy” luôn có “cơ”. Cơ ở đây là cơ hội ứng dụng mạnh, sâu hơn nữa chuyển đổi 4.0, cùng với thực hiện làm việc online, Báo Lao Động còn đẩy mạnh áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc tòa soạn như họp trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến, tác nghiệp đa phương tiện… Điều này giúp phóng viên, biên tập viên thích ứng với điều kiện làm việc trong tình hình mới. Đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp thay đổi phương thức làm việc trong thời đại công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả, tính hấp dẫn thông tin…
Cùng với hoạt động nghiệp vụ, báo cũng triển khai công tác xã hội thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động. Báo phát động chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”, huy động sự ủng hộ của cộng đồng. Sau 14 ngày phát động, Chương trình đã huy động được hơn 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Báo Lao Động còn phối hợp với Công đoàn ngành Y tế phát động chương trình ủng hộ y bác sỹ tuyến đầu chống dịch. Chương trình “Vì những chiến binh áo trắng” cũng đang nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của đông đảo người dân, bạn đọc.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân:
Bám sát các thông tin một cách chính xác
Trong suốt ba đợt dịch đầu tiên và hiện ở lần bùng phát dịch thứ 4, Báo Nhân Dân đã bám sát các thông tin một cách chính xác, cập nhật, nhiều chiều thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Báo Nhân Dân điện tử đã triển khai một chiến dịch truyền thông được chuẩn bị chi tiết, quy mô.
Đầu tiên, Báo Nhân Dân điện tử xây dựng các dòng sự kiện về dịch COVID-19, gồm dòng sự kiện diễn biến dịch tại Việt Nam: Dòng sự kiện về diễn biến dịch trên thế giới; tập trung phòng, chống dịch lây lan theo từng đợt dịch; về công tác nghiên cứu, thử nghiệm vaccine; chương trình tiêm vaccine an toàn…
Báo Nhân Dân điện tử đã xây dựng các tác phẩm báo chí hiện đại: Infographic, megastory, longform, phóng sự ảnh, video clip để phản ánh thông tin đa dạng, nhiều chiều về diễn biến dịch. Những chỉ đạo kịp thời, chính xác với từng giai đoạn phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Các bài viết cũng đánh giá những thành tựu của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch như: truy vết, điều trị, xét nghiệm…
Nhiều bài chân dung về tấm gương y, bác sĩ; những lực lượng tuyến đầu; những tấm gương ủng hộ công tác phòng, chống dịch; hình ảnh sẻ chia khó khăn nơi tuyến đầu… cũng được báo phản ánh kịp thời, ghi nhận những câu chuyện xúc động có sức lay động tới độc giả.
Bên cạnh đó, những thách thức, khó khăn, những điểm còn hạn chế trong công tác chống dịch cũng được phản ánh kịp thời để góp tiếng nói cho cơ quan chức năng có sự điều chỉnh kịp thời trong công tác phòng, chống dịch.
Với thế mạnh có sáu ngôn ngữ truyền tải thông tin, Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha đã phủ sóng thông tin liên tục từng giờ về tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam, cung cấp thông tin không chỉ cho độc giả trong nước, mà còn cả nhiều độc giả quốc tế. Nhờ đó, thành tựu và khó khăn trong công cuộc chống dịch của Việt Nam hơn một năm qua nhận được sự ủng hộ rất lớn của thế giới trong việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chống dịch; đàm phán cung ứng nguồn vaccine hỗ trợ Việt Nam chống dịch…
Các thông tin trên Báo Nhân Dân điện tử được cập nhật nhanh chóng, bảo đảm nguồn thông tin chính thống, chính xác từ các cơ quan chức năng, góp phần phản bác lại các thông tin không chính thống, gây nhiễu trên mạng xã hội về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã tổ chức một cuộc tọa đàm về công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam về khía cạnh tăng cường dinh dưỡng để phòng, chống dịch Covid-19. Khi đó dịch mới bùng phát tại Trung Quốc và cả thế giới chưa có vaccine làm vũ khí hữu hiệu chống lại dịch. Tọa đàm rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, cung cấp nhiều thông tin cần thiết, giúp tăng hiểu biết của người dân về cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đặc biệt là tầm quan trọng phải nâng cao sức khỏe, thực hiện 5K để phòng, chống dịch.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong:
Thành lập nhóm phóng viên đặc biệt
Ngay từ khi dịch COVID -19 mới bùng phát sau Tết Canh Tý 2020, báo Tiền Phong đã xác định đây là một trong các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trọng tâm nhất trong năm và áp dụng các giải pháp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ.
Thứ nhất, nhanh chóng lập nhóm phóng viên đặc biệt thông tin COVID -19, khi cao điểm lên đến 20 - 30 người, bao gồm các phóng viên chuyên trách y tế ở tất cả các vùng miền, bổ sung thêm các phóng viên trẻ, năng động, dám dấn thân từ các ban Thời sự, Thanh niên, Pháp luật, Multimedia, các ban đại diện của báo tại các vùng miền và phóng viên thường trú ở các tỉnh có dịch. Nhóm này do một Phó TBT báo trực tiếp điều hành, hoạt động theo kế hoạch riêng và được ưu tiên các phương tiện làm việc.
Thứ hai, tất các cuộc họp giao ban đầu ngày đều dành thời gian để cập nhật thông tin dịch bệnh và bàn các giải pháp tác nghiệp và phương án thông tin trên tất cả các ấn phẩm của Tiền Phong, đặc biệt là báo điện tử và báo ra hằng ngày.
Thứ ba, dành dung lượng lớn trên báo giấy và báo điện tử cho chủ đề này.
Nội dung thông tin da dạng từ cập nhật tình hình diễn biến dịch trong nước và thế giới, các biện pháp phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước, các địa phương, các đơn vị, cá nhân…, từ các thành tựu và các vấn đề nảy sinh đến các ảnh hưởng, hậu quả tác động của dịch bệnh lên các hoạt động mọi mặt của xã hội cũng như đời sống người dân.
Các phóng viên Tiền Phong đã dấn thân vào cuộc chiến đấu của cả nước chống lại đại dịch. Một thống kê nhanh vào ngày 10/4/2020, tức trong vòng thời gian chỉ hơn 1 tháng từ sau Tết Canh Tý cho thấy, toàn toà soạn đã sản xuất và đăng hơn 4.600 tin bài liên quan COVID -19. Tết Tân Sửu vừa qua, có 3 phóng viên Tiền Phong phải cách ly do trước đó hoạt động trong vùng dịch: 1 người đi cách ly tập trung, 2 người được toà soạn dành hẳn một tầng hội trường của trụ sở làm nơi cách ly. Nhiều phóng viên khác cũng thực hiện cách ly tại nhà sau các chuyến công tác.
Từ khi bùng phát sau tết Canh Tý đến nay, cuộc chiến chống dịch bệnh chưa bao giờ ra khỏi nhóm các vấn đề quan tâm nhất của báo, thường chiếm trung bình 2 trang báo in mỗi ngày và một dung lượng rất lớn trên báo điện tử.
Bên cạnh việc hỗ trợ các lực lượng phòng chống dịch, báo Tiền phong cũng tham gia hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để nhiều người tham gia, tập thể báo có nhiều hành động thiết thực.
Bà Trần Lan Anh, Phó tổng biên tập báo Nhà báo và Công Luận:
Nhanh nhất có thể, hữu ích nhất có thể!
Khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 quét qua Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4 cũng như những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch, các phóng viên của báo đã có một cuộc sống đặc biệt khi tác nghiệp ở những tuyến đầu nóng bỏng.
Do vận dụng mô hình tòa soạn hội tụ khá linh hoạt nên chỉ mất một thời gian bỡ ngỡ khi dịch Covid bắt đầu xuất hiện thì chúng tôi đã thích ứng được với việc triển khai tác nghiệp mô hình thông tin mùa dịch khá hiệu quả. Để hỗ trợ cho phóng viên theo dõi mảng y tế, sức khỏe có thời gian tác nghiệp sâu tại hiện trường, toàn bộ ê kíp hỗ trợ xuất bản được phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phóng viên, trực chiến ngày đêm để có được bản tin tổng hợp cập nhật nhất theo từng múi giờ, cập nhật nhanh nhất về các thông tin chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; về ghi nhận những ca mắc mới, tình hình điều trị của Việt Nam; về những chính sách của Việt Nam đối với công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch; về chính sách nhân đạo của Việt Nam trong những chuyến bay quốc tế đưa công dân Việt Nam về nước…
Không có lợi thế về nhân tài, vật lực như các tờ báo điện tử hàng đầu, báo Nhà báo & Công luận xác định đưa thông tin theo quan điểm nhanh nhất có thể, hữu ích nhất có thể. Báo đã thành lập nhóm tuyên truyền về dịch bệnh, xuất bản hàng nghìn tin, bài thời sự, chuyên sâu, các bài phân tích đánh giá từ phía cơ quan quản lý, các chuyên gia y tế trong phòng, chống dịch.
Có một đặc thù trên báo Nhà báo & Công luận là chúng tôi có lượng thông tin đồng hành cùng các tờ báo, cùng các phóng viên tác nghiệp về dịch bệnh khá đầy đặn. Ngay từ năm 2020, khi dịch bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, trong đợt giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, báo đã triển khai hàng loạt các bài viết, tin tức ghi nhận câu chuyện của những nhà báo chấp nhận thiệt thòi xa gia đình làm việc ngày đêm khi cả xã hội đang giãn cách xã hội, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm, hy sinh bản thân vì sự an toàn của những người phía sau, sự đồng cam, cộng khổ với các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch để đóng vai là “người kể chuyện” trong đại dịch COVID-19. Đồng thời triển khai các chuyên đề liên quan đến kinh tế báo chí trong đại dịch, hay câu chuyện phát triển nguồn thu của báo chí trước, trong và sau dịch. Những loạt chuyên đề này đã có hiệu quả khá tốt khi Chính phủ và các cơ quan quản lý có chính sách và động thái hỗ trợ báo chí vượt khó. Hiện nay, mảng thông tin này vẫn đang được chúng tôi khai thác nhiều và khai thác triệt để.