Ghi nhận tại khu phố 1, phường Hàm Tiến, tuyến bờ biển gần 1 km bị sóng biển xâm thực nghiêm trọng. Nhiều đoạn bờ biển bị khoét sâu vào 2- 3m. Khu vực này có ít nhà dân sinh sống nhưng có nhiều resort, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã triển khai nhiều biện pháp như: sử dụng kè mềm, rọ đá, bao cát chắn sóng tạm thời nhưng mỗi lần sóng to đánh vào lại cuốn trôi đất cát khiến bờ biển tiếp tục bị sạt lở.
Đại diện một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cho biết, tình trạng sóng biển xâm thực đã diễn ra từ nhiều năm qua; tuy nhiên thời gian gần đây cường độ sóng biển xâm thực diễn ra ngày càng mạnh hơn, sóng to kèm theo gió mạnh liên tục đánh ập vào bờ gây sạt lở, cuốn trôi nhiều đất cát, cây dương ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Cũng tại thành phố Phan Thiết, trên địa bàn khu phố B và C, phường Thanh Hải, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, gió thổi mạnh kết hợp với triều cường dâng cao đã gây sạt lở bờ biển, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống ven biển.
Nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình kè bảo vệ bờ biển phường Thanh Hải. Công trình xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ biển có chiều dài hơn 1.000 m; được triển khai giữa năm 2021. Đây là công trình đang được chính quyền địa phương và người dân thành phố Phan Thiết nói chung và người dân ven biển phường Thanh Hải nói riêng mong đợi từng ngày.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết, từ cuối tháng 2/2023, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi mạnh kết hợp triều cường dâng cao đã gây xâm thực, sạt lở nghiêm trọng tại một số khu vực. Ngoài gây sạt lở bờ biển, triều cường dâng cao gây sạt lở và hư hỏng một số đoạn kè, mái kè khu vực tại khu vực biển Hòn Rơm - Mũi Né.
Những năm gần đây, tình trạng xâm thực sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân đã được cơ quan chuyên môn xác định do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh và phức tạp, dẫn đến diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Bên cạnh đó do hình thái bờ biển Bình Thuận có hướng Đông Bắc - Tây Nam trực tiếp đón sóng mùa gió Đông Bắc và cấu tạo địa chất ven biển Bình Thuận bở rời được cấu tạo từ cát dễ xói lở. Đây là 2 yếu tố nội tại góp phần làm cho bờ biển bị xói lở. Sạt lở bờ biển chủ yếu xảy ra ở các địa phương: huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở xung yếu hiện nay khoảng 23km.
Để ứng phó khắc phục xâm thực, gây sạt lở bờ biển, từ năm 1997 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, Bình Thuận đã xây dựng được nhiều tuyến kè kiên cố, góp phần rất lớn trong việc ổn định dân cư, ổn định hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 24 km kè biển và 5 km kè tạm.
Giai đoạn 2021- 2025, Bình Thuận tiếp tục huy động vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương xây dựng kè kiên cố, sử dụng vốn ngân sách tỉnh đối ứng và nâng cấp, sửa chữa kè một số khu vực mang tính bức xúc, cấp thiết.