Trong đó, điều đáng quan tâm là chưa có thị trường lao động hoàn chỉnh.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố. Bình quân mỗi năm, thành phố giải quyết hơn 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại thành phố đạt 72,3%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Nguyên nhân quan trọng là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh, sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; đồng thời vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong mong muốn, các chuyên gia đề xuất các giải pháp căn cơ để thành phố sớm hoàn thiện thị trường lao động, trước mắt là hình thành hệ sinh thái thị trường lao động hiệu quả, gồm chính quyền - nhà trường - doanh nghiệp và sinh viên.
Thành phố xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền với xã hội, do đó, thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động. Đồng thời, thành phố hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, tạo nhiều cơ hội hơn cho các sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nhận định về xu hướng thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể như, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN.
Nhiều ngành nghề sẽ biến mất và có những công việc mới ra đời. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, các trường đại học và doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị, cùng chia sẻ và hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động để đón đầu xu hướng thị trường này. Để đào tạo sát với thực tế, nhà nước cần phát triển khả năng dự báo thị trường lao động trong dài hạn, từ đó các trường có định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo phù hợp. Đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết với cơ sở đào tạo; cùng với đào tạo chuyên môn, các cơ sở giáo dục cần chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh quốc tế hóa.
Phân tích thị trường lao động thành phố trong giai đoạn hiện nay và dự báo những năm tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Ngoài ra, một số ngành nghề đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.
Theo các đại biểu, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã dần được chú trọng, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát với nhu cầu thực tế. Để nhà trường đào tạo được sinh viên chất lượng, doanh nghiệp có được lao động đáp ứng được yêu cầu, rất cần đẩy mạnh liên kết hai bên. Cùng với sự chủ động, năng động của nhà trường và doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình liên kết, cần có sự hỗ trợ, định hướng của cơ quan quản lý. Cụ thể, có các chính sách khuyến khích liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối các cơ quan hữu quan để dự báo nhu cầu nhân lực và hướng nghiệp.