Sẽ thiếu kinh phí phòng chống HIV/AIDS

Nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ là 7.489 tỷ đồng, khả năng thiếu hụt sẽ là 11%, sắp tới công tác này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.


Đó là sự lo ngại của TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS trong Hội thảo Xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội.

Nhiều dự án bị cắt giảm

Với những nỗ lực của mình, thời gian qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng trong phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, dịch HIV trên toàn quốc đã có dấu hiệu chững lại, giảm tới 50% số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì AIDS đã giảm từ 150.000 xuống còn 11.000/năm. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá, nếu có đủ nguồn lực và đầu tư một cách hiệu quả vào công tác dự phòng, điều trị, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xóa bỏ HIV vào năm 2030.

Bệnh nhân đến uống Methadone tại các cơ sở y tế. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: Do cơ chế hiện nay đã thay đổi, trong giai đoạn tới, chương trình phòng chống HIV/AIDS không còn là chương trình mục tiêu quốc gia nữa mà chỉ là một dự án trong chương trình Dân số - KHHGĐ, do vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề hỗ trợ ngân sách từ Nhà nước.

Chưa kể, vẫn còn một số bộ phận chưa hòa nhập và lồng ghép vào hệ thống y tế như: Công tác điều trị ARV, Methadone; gây khó khăn cho việc triển khai và thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT). Nguồn kinh phí hỗ trợ cho xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai cũng đang bị cắt giảm, BHYT chưa thực hiện việc chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, hiện nay nhân sự, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống bệnh cũng còn thiếu, cần phải bổ sung đầu tư nhiều. Mặc dù đã có những cam kết của chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho chương trình này, tuy nhiên cũng không phải là nguồn đầu tư bền vững.

Bên cạnh đó, hệ thống phòng chống HIV/AIDS chủ yếu vẫn dựa trên nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế là chính. Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình, khiến nhiều nguồn kinh phí tài trợ sẽ bị cắt giảm. Sắp tới một số nhà tài trợ cũng sẽ dừng lại như: Quỹ Toàn cầu viện trợ đến hết 2015, PEPFAR viện trợ đến hết 2018, quy mô viện trợ cũng sẽ giảm nhanh trong mấy năm tới.

Cũng theo TS Long, nếu kinh phí quốc gia không tăng để lấp bù những nguồn tài trợ sắp kết thúc thì khó có thể duy trì những thành quả đã đạt được.

Huy động nhiều nguồn

Theo TS Long, trước những khó khăn về kinh phí đang chờ phía trước, cần tập trung nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ở Trung ương cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việc phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống bệnh là rất quan trọng. Cần tăng cường thu hút các nguồn xã hội hóa, đặc biệt là huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp.

Thêm vào đó cần phải tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của chính người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Điều này cũng đang được thực hiện khi đã có 2 tỉnh thu được phí từ điều trị Methadone. Sắp tới sẽ xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh tham gia của BHYT đối với các dịch vụ được cung cấp. Bên cạnh đó, về phía các đơn vị quản lý cần phải hoàn thiện cơ chế điều phối, phân bổ nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn kinh phí huy động được, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí.

Theo các chuyên gia, giai đoạn tới, việc mua thuốc ARV sẽ phải thực hiện bằng nguồn ngân sách trong nước. Vì thế, nên khuyến khích việc sản xuất thuốc ARV ở trong nước để giảm bớt chi phí đầu tư cho công đoạn này.

“Đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS là việc bắt buộc phải làm. Càng đầu tư sớm thì hiệu quả càng cao mà lại đỡ tốn kém, nếu không được đầu tư tài chính đủ để đối phó, đại dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao và với chi phí tốn kém hơn nhiều lần hiện nay”, TS Long khẳng định.   

Tạ Nguyên
Cần thêm hàng chục tỷ USD để diệt trừ tận gốc HIV/AIDS
Cần thêm hàng chục tỷ USD để diệt trừ tận gốc HIV/AIDS

Từ nay đến năm 2020, thế giới vẫn cần khoảng 32 tỷ USD mỗi năm để có thể diệt trừ tận gốc hiểm họa HIV/AIDS vào năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN