Đặc biệt, trong những ngày từ mồng 2 Tết đến mồng 5 Tết Kỷ Hợi, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã diễn biến phức tạp hơn so với 4 ngày nghỉ lễ trước đó, điển hình là TNGT có xu hướng tăng cao từ ngày mồng 4 Tết.
Nguyên nhân chủ yếu là do lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm quy định về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Khu vực xảy ra TNGT chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị.
Tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường xung quanh các đền, chùa thuộc Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này tăng cao.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, riêng trong ngày 9/2 (tức 5 Tết) toàn quốc xảy ra 34 vụ TNGT làm chết 26 người, bị thương 33 người. Trong đó, đường bộ xảy 34 vụ, làm chết 26 người, bị thương 33 người; riêng đường sắt không xảy ra TNGT.
Trên tuyến đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) các địa phương đã phát hiện, kiểm tra, xử lý lập biên bản 1.532 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 516 triệu đồng, tạm giữ 456 phương tiện và 204 giấy tờ các loại.
Lực lượng CSGT đường thủy đã tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, phát hiện lập biên bản 35 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 29 triệu đồng.
Ngay trong sáng 9/2, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) tổ chức ra quân bảo đảm ATGT sau Tết nguyên đán Kỷ hợi với chủ đề “Năm ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”.
Để bảo đảm ATGT, cũng như hướng dẫn phân luồng cho nhân dân đi lại vui xuân, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội triển khai 100% quân số, phối hợp công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành giao thông và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên 15 tuyến quốc lộ, 391 nút giao thông trọng điểm; tăng cường đẩy mạnh hệ thống xử phạt qua camera; tiến hành đợt 2 xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn; nâng cao hiệu quả 15 tổ 141 xử lý vi phạm tất cả thời gian trong ngày, thực hiện hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm và bảo đảm ATGT; xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm, có thái độ không đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân.
Trên hầu hết các tuyến giao thông, lưu lượng phương tiện tăng nhanh, tăng cao hơn so với những ngày trước do nhiều người lao động sau thời gian về quê nghỉ Tết Nguyên đán quay trở lại chỗ làm; nhiều người dân đi lễ, đi du Xuân, đi chúc Tết, chúc thọ ở xa; nhiều người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng gây mất TTATGT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tình hình phương tiện dừng đỗ không đúng nơi quy định như trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường... xảy ra ở nhiều thành phố lớn gây mất TTATGT.
Tình hình khám, cấp cứu tai nạn giao thông sau 6 ngày nghỉ Tết, tính từ 7 giờ sáng ngày 2/2 đến 7 giờ sáng ngày 8/2, đã có 35.366 ca khám, cấp cứu TNGT, chiếm 19,4% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết, trong đó, 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện (bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện).
Qua đường dây nóng, đã có khoảng 25 lượt/ngày cuộc gọi đến phản ảnh các hành vi vi phạm quy định kinh doanh điều kiện kinh doanh vận tải; tình trạng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé, bán vé nhưng không giữ chỗ cho hành khách, khi hành khách phản ánh tình trạng chở quá tải nhà xe đã đuổi hành khách khỏi xe giữa đêm khuy. Các thông tin đã được chuyển đến lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý.
Cũng trong ngày 9/2 (tức mùng 5 Tết), Trạm CSGT QL1A (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) đã bắt giữ và xử lý một ô tô khách chạy tuyến Nam Định - Vinh nhồi nhét vượt quy định 20 người trên xe. Trước đó, vào hồi 17h ngày 8/2, tại km 335 QL1A thuộc xã Quảng Phong, Quảng Xương (Thanh Hóa), tổ liên ngành xử lý xe khách của Trạm CSGT Quảng Xương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với ô tô khách BKS 18B - 001.25 chở vượt quá số người quy định 62/40 người.
Trước đó, ngày 8/2, Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành Công điện số 04/CĐ-UBATGTQ về tăng cường bảo đảm TTATGT những ngày còn lại của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.