Nhờ sự chăm sóc, vun trồng của các chị em, đoạn đường liên thôn Hoàng Xá - Bịch Tây đẹp và rực rỡ hơn bởi những sắc hoa
|
Con đường hoa ở một xã nông thôn mới Một sáng tháng 10, về thăm xã Nam Chính (huyện Nam Sách), nhiều người ngỡ ngàng khi đi trên con đường liên thôn dài gần 2km nối thôn Bịch Tây và thôn Hoàng Xá. Hai bên đường là những luống hoa mười giờ nở bung rực rỡ. Con đường bê tông thẳng tắp rộng hơn 3m vốn sạch sẽ nay được điểm tô bằng những luống hoa đủ sắc màu tím, cam, hồng… càng trở nên nổi bật giữa cánh đồng lúa mùa chín vàng đang kỳ thu hoạch.
Con đường đẹp như trong tranh đó chính là thành quả từ bàn tay lao động miệt mài của chị em hội viên Hội Phụ nữ xã Nam Chính trong hơn 2 tháng qua. Ít ai biết được buổi đầu bắt tay thực hiện ý tưởng không hề đơn giản. Không phải hội viên nào cũng hưởng ứng, nhiều chị còn thấy nản.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm, các cán bộ Hội đã kiên trì tìm cách thuyết phục, vận động. Sau những giờ tất bật công việc đồng áng, lo việc nhà, việc cơ quan, các cán bộ Hội thông báo rộng rãi về việc triển khai mô hình trên loa phát thanh của xã để phát động chị em hội viên cùng hưởng ứng và nhân dân toàn xã ủng hộ. Ngày 5/8, cả 5 thôn đồng loạt triển khai. Hội Phụ nữ xã mua hoa và phát cho các Chi hội trồng. Ngày 25/8, việc trồng hoa hoàn tất. Hoa bắt đầu bén rễ thì cỏ cũng đua nhau mọc. Trồng được hoa đã là một kỳ công. Thế nên, giờ đây, chị em quyết tâm bảo vệ thành quả. Các chi, tổ phụ nữ cắt cử hội viên thay nhau chăm sóc đường hoa, bón phân, nhổ cỏ…
Kể lại những trở ngại bước đầu, các cán bộ và hội viên Hội Phụ nữ xã Nam Chính khẳng định, có được thành quả hôm nay nhờ sự ủng hộ, khích lệ của Đảng ủy, lãnh đạo xã và đặc biệt là sự tự giác, đồng lòng của hội viên. Chị Hoàng Thị Thoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Chính cho biết: Xã trích ngân sách 4 triệu đồng hỗ trợ. Có đồng chí lãnh đạo xã còn bỏ tiền túi cổ vũ chị em. Các hội viên mỗi người đóng góp 10.000 đồng và 2 ngày công. Cứ thế các thôn thi đua nhau mua giống hoa, làm đất, nhổ cỏ, chăm sóc… Nếu không có sự tự giác và tích cực của các chị thì không thể có được con đường hoa đẹp như hôm nay.
Cùng với đoạn đường liên thôn Hoàng Xá - Bịch Tây, toàn xã Nam Chính đã có thêm nhiều đoạn đường trồng hoa, tổng cộng hơn 3km đường làng ngõ xóm ở Nam Chính được trồng hoa, sạch đẹp. “Mới đầu nhiều hội viên nản, cỏ mọc cao. Nhưng cán bộ, hội viên tập trung vào làm, mỗi người một tay, vất vả nhưng vui. Trông con đường làng đẹp hơn, khang trang hơn, ai cũng thấy tích cực. Đâu vào đấy, phụ nữ Nam Chính là thế. Quê hương từng được đón Bác Hồ về thăm cơ mà”, vừa nhanh tay nhổ cỏ cho luống hoa, chị Lê Thị Huệ (đội 4, thôn Bịch Tây, xã Nam Chính) tươi cười chia sẻ.
Con đường hoa giờ còn là niềm vui và tự hào của mọi người dân trong xã Nam Chính. “Từ trước đến nay, khi hai bên đường chưa trồng hoa thì cỏ dại mọc đầy. Giờ có hoa đẹp rồi, trong thôn ai cũng bảo nhau phải giữ cho đường sạch, nhắc trẻ con không phá hỏng. Ngày mùa gặt hái đấy nhưng không có chuyện để rơm rơi vãi trên đường”, anh Nguyễn Văn Hải (thôn Bịch Tây) kể.
Mô hình nhỏ với kinh phí không lớn song đã tạo nên một sự đổi thay bất ngờ về diện mạo vùng quê Nam Chính. Ngày trước, Nam Chính từng vinh dự đón Bác Hồ về thăm và biểu dương vì làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh. Ngày nay, phát huy truyền thống đáng tự hào đó, Nam Chính luôn quyết tâm bảo vệ môi trường. Bức tranh làng quê nơi đây ngày càng đẹp, một phần nhờ vào chị em Hội Phụ nữ ở địa phương góp sức.
Đánh giá cao sự tích cực, hiệu quả của Hội Phụ nữ xã trong việc tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường, Đảng ủy xã Nam Chính cho biết sắp tới sẽ được nhân rộng. Theo ông Vương Đình Quy - Bí thư Đảng ủy xã Nam Chính, xã phấn đấu đến hết năm 2018, khoảng 10.000 m2 đất ở nơi công cộng, trụ sở ủy ban, trạm y tế, trục đường liên thôn, liên xã sẽ được trồng hoa để tạo cảnh quan và môi trường sạch đẹp. Hội Phụ nữ là nòng cốt, phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã chung tay thực hiện.
Theo chị Đặng Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Sách, Hội Phụ nữ xã Nam Chính đã cho thấy sự sáng tạo trong việc triển khai các chủ trương, chương trình mà huyện, hội đề ra. Hiện hiệu ứng từ mô hình đường hoa ở Nam Chính bắt đầu lan tỏa đến một số xã khác như Hồng Phong và An Sơn, Nam Trung, Phú Điền.
Đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường
Các mô hình chủ nhật xanh tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm và phân loại rác tại hộ gia đình. |
Hội Phụ nữ huyện Nam Sách hiện có 28.000 hội viên. Những năm qua, Hội Phụ nữ Nam Sách triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 19/19 cơ sở Hội thành lập được 29 câu lạc bộ “Nước sạch - vệ sinh môi trường” với trên 1.000 gia đình hội viên tham gia, 45 câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch” có trên 2.500 gia đình hội viên tham gia.
Các câu lạc bộ thường xuyên duy trì hoạt động với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn như sinh hoạt, truyền thông, giao lưu về chủ đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, hướng dẫn hội viên thực hiện cuộc vận động gia đình “5 không, 3 sạch”. Đến năm 2016, trên 22.300 hộ đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động. Bên cạnh đó, có 85 chi hội ở 16 xã gắn biển 113 "Đoạn đường phụ nữ tự quản" và đảm nhiệm việc huy động hội viên thường xuyên giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm.
Thời gian tới, công tác phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Chị Đặng Thị Nga khẳng định: Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện duy trì ngày chủ nhật xanh, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, duy trì câu lạc bộ phụ nữ với nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt, các mô hình như phân loại rác thải hộ gia đình, trồng hoa tại các đường liên thôn, xóm, tại các cổng ủy ban để hạn chế cỏ phát triển và để môi trường đẹp hơn.
Huyện Hội phấn đấu hết năm 2017, 5 xã là Nam Chính, Nam Tân, Hợp Tiến, An Lâm và Đồng Lạc mỗi xã xây dựng ít nhất 1 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” hoặc “Tiết kiệm từ thu gom rác thải tái chế gây quỹ Hội”. Đồng thời, hết năm 2017, tất cả 105 chi hội của huyện đều gắn biển và đảm nhiệm “Đoạn đường phụ nữ tự quản”. Hết năm 2018, tất cả các chi hội đều thành lập mô hình bảo vệ môi trường và tất cả các tổ thu gom rác thải ở thôn, khu dân cư đều có phụ nữ tham gia.
Cùng với đó, Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức cho cộng đồng, những mô hình hiện có để các chương trình giữ gìn vệ sinh môi trường do hội viên Hội Phụ nữ đảm nhiệm, góp phần thực hiện hiệu quả một trong những tiêu chí khó đạt và duy trì ở các xã nông thôn mới.