“Mỗi khi lũ lụt về chúng em đã chứng kiến biết bao cảnh tang thương, những người con mất mẹ, những mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh. Tất cả tài sản nhỏ bé của gia đình bao năm tích cóp cũng theo dòng nước trôi đi hết chỉ còn lại những nỗi đau. Chúng em chỉ có một mong muốn rằng khi ngôi nhà tránh lũ này được áp dụng vào thực tiễn thì cuộc sống của bà con quê hương em bớt khổ, bớt vất vả mỗi dịp lũ lụt lại về”. Đây chính là mong muốn mà nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gửi gắm trong ý tưởng “Ngôi nhà sống chung với lũ lụt”.
Nhóm học sinh gồm 3 em: Trần Thị Tố Như (lớp 9C), Võ Duy Khánh (9B) và Lê Thanh Thiên (9C) cùng nhau nghiên cứu xây dựng đề tài “ngôi nhà sống chung với lũ lụt”. Với mong muốn giúp bà con chủ động hơn trong việc phòng chống lụt các em đã mạnh dạnthiết kế ngôi nhà sống chungcùng lũ lụtvới hy vọng khi mùa lũ đến nước lên đến đâu nhà nỗi lên đến đó. Xã Triệu Long, huyện Triệu Phonglà xã nghèo nằm ven bên dòng sông Thạch Hãn, hàng năm mùa mưa đến thường kéo dài gây lũ lụt và trong mỗi trận lụt ngập úng thường kéo dài từ 5-6 ngày khiến cuộc sống của người dân vô cùng vất vả, nhà cửa tạm bợ, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Cô trò trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bên mô hình ngôi nhà sống chung với lũ lụt. |
Em Trần Thị Tố Như cho biết: Quê em thuộc vùng trũng ở thôn Tân Định, xã Triệu Long, địa hình thấp, bờ sông xói lở mỗi khi mùa mưa đến. Ngày trước ở thôn em có 100 hộ dân sinh sống thì ngày nay chỉ còn khoảng 20 hộ, gia đình em cũng chuyển lên Thị trấn Ái Tử để sống theo chính sách di dân khỏi vùng sạt lở của huyện. Khi lên trên này, bố mẹ em không có việc làm, hàng ngày vẫn phải chạy xe hơn 3km để về làm ruộng ở quê cũ. Hằng năm những cơn lũ đến rồi lại đi, chưa khắc phục hết hậu quả của trận lũ này thì trận lũ khác lại đến, cứ như vậy lặp đi lặp lại khiến người dân quê em đã nghèo nay còn nghèo hơn. Chính vì thế, là người con của quê hương vùng lũ em muốn sáng tạo thiết kế một căn nhà giá cả phải chăng lại có thể sống chung với lũ lụt cho người dân quê em bớt mất mát và khổ sở không phải đi lánh nạn mỗi khi lũ đến mưa về…
Từ mong ước và ý tưởng ban đầu sau khi xin ý kiến các thầy cô giáo của mình, ba học sinh đã bắt tay vào xây dựng “Ngôi nhà sống chung với lũ lụt”. Nhóm bắt đầu tiến hành khảo sát thực tế nhờ sự giúp đỡ của cô giáo hướng dẫn Nguyễn Thị Vân (giáo viên dạy môn Toán), nhóm đã về các vùng trũng nơi thường hay bị lũ lụt để tìm hiểu. Qua quá trình thực tế, nhận thấy cách phòng tránh lũ của người dân ở đây chủ yếu là xây móng nhà và hiên cao hơn mặt đất, đồng thời phải di chuyển đến vùng cao hơn để tránh lũ, mỗi một mùa lụt thiệt hại người dân ghánh chịu rất lớn về tài sản và sau mỗi cơn lũ trôi qua thời gian khắc phục hậu quả là rất lâu.
Từ thực tế khảo sát, nhóm bắt đầu tính toán mức độ ngập lụt, để từ đó tính toán độ nổi của ngôi nhà khi lũ lụt dâng cao sao cho phù hợp. Áp dụng từ những kiến thức đã học, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn, các em bắt đầu lắp ráp mô hình ngôi nhà sống chung với lũ lại phù hợp với điều kiện giá cả thực tiễn kinh tế của bà con. Trong quá trình thực hiện, nhóm vừa đảm bảo chương trình học tập vừa trích thời gian mỗi tuần 2-3 buổi để cùng nhau thực hiện.
Em Lê Thanh Thiên (9C), trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Thời gian đầu khi mới bắt tay dựng mô hình cả nhóm vô cùng lúng túng khi tính toán vật liệu như: sắt, gỗ, xi măng, mái lợp… cũng như giá cả thị trường sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế người dân. Có lẽ kỉ niệm mà bọn em nhớ nhiều nhất đó chính là khi mô hình hoàn thành đổ nước vào để xem khả năng nổi của ngôi nhà đến đâu thì thất bại. Khoảng 10 lần đổ nước vào rồi lại chìm, nhưng cả nhóm không nản cố gắng rút kinh nghiệm thay đổi từng chi tiết sao cho phù hợp cho đến khi thành công.
Mất khoảng 6 tháng để thực hiện, với ý chí và tinh thần đoàn kết đã giúp các em xây dựng thành công. Ngôi nhà được chia làm 2 phần gồm: phần cố định đó chính là 8 trụ sắt trượt chống rỉ, mái hiên trước và mái hiên sau làm bằng gỗ hoặc mái tôn; phần nổi bao gồm bên dưới là hệ thống thùng phi với khoảng từ 30-42 thùng, và phần nhà bên trên làm bằng gỗ (nhóm 3,4) nhẹ. Sau khi tính toán tất cả chi phí của vật liệu thì ngôi nhà trên thực tế theo giá cả thị trường chỉ có 46 triệu đồng phù hợp với điều kiện của người dân. Ngôi nhà được xây dựng dựa trên nguyên lý khi có lũ nước dâng đến đâu nhà sẽ dâng đến đấy nhờ lực đẩy của thùng phi và hệ thống trượt để ngôi nhà nổi lên tránh lũ, trọng tải mà ngôi nhà có khả năng nâng lên đến 4 tấn.
Bên cạnh việc tránh lũ, nhóm cũng tính đến khả năng chống bão của ngôi nhà bằng cách tính lực gió đẩy, gió hút hai bên để cân đối mua dây cáp treo về 8 múi của ngôi nhà đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tại hội thi sáng tạo Khoa học kĩ thuật Visef vừa qua, khi chứng kiến thí nghiệm đổ nước vào ngôi nhà tự động nổi lên, nước dâng đến đâu nhà nâng đến đó đã khiến mọi người ngạc nhiên và thán phục trước ý tưởng táo bạo và khả năng thực hiện của các em. Với những cố gắng mà các em đã trải qua, đề tài “Ngôi nhà sống chung với lũ lụt” đã đạt được giải nhất Hội thi sáng tạo Khoa học kĩ thuật Visef tỉnh Quảng Trị năm 2012 vừa qua.
Thầy Lê Bá Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Cả 3 học sinh trong nhiều năm liền đạt học sinh giỏi của trường, các em đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều để thực hiện đề tài trên. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng ý tưởng của các em có ý nghĩa xã hội rất lớn, ngôi nhà có khả năng ứng dụng rất cao, nếu được đưa vào xây dựng trong thực tế sẽ hạn chế thấp nhất mà lũ lụt gây ra. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của các em là hy vọng các cấp chính quyền sẽ quan tâm, xem xét áp dụng kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn góp phần hỗ trợ những người dân vùng trũng không còn chịu tác động của lũ lụt mỗi mùa mưa lũ tràn về…
Thanh Thủy