Rút kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ miền Trung

Những năm gần đây, chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn đến mực nước lên nhanh, chiều sâu ngập lũ tăng... trong khi đó, công tác cảnh báo và ứng phó với mưa lũ còn nhiều bất cập. Thực tế này là nguyên nhân làm cho mưa lũ miền Trung ngày càng gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống người dân.

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10 - 11/2016 diễn ra sáng 2/12.

Lúng túng cảnh báo mưa lũ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc, từ ngày 13/10 đến sáng 16/10, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to, đặc biệt ở Mai Hóa (Quảng Bình) mưa 949mm, Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 932mm.

Mưa lớn đã làm xuất hiện một đợt lũ trên hệ thống sông và gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, lũ trên sông Ngàn Sâu và sông Gianh lên trên báo động 3 từ 2 - 3m (xấp xỉ lũ lịch sử); phía Nam tỉnh Hà Tĩnh và phía Bắc tỉnh Quảng Bình ngập sâu tới 4 - 5m, thời gian ngập kéo dài từ 3 - 4 ngày.

Tiếp theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 30/10 - 7/11, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên mưa phổ biến với tổng lượng 300 - 600mm; các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận mưa phổ biến với tổng lượng 100 - 300mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 707mm, Đồng Tâm (Quảng Bình) 1.051mm, Trà My (Quảng Nam) 677mm, Vân Canh (Bình Định) 718mm, Phú Lâm (Phú Yên) 1.022mm, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) 985mm, M’Drak (Đắk Lắk) 644mm...

Nhà máy thủy điện Hố Hô, hồ Kẻ Gỗ xả nước gây ngập lụt cục bộ ở vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ như xã Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ huyện Cẩm Xuyên, xã Thạch Lâm, Thạch Đài huyện Thạch Hà. Ảnh: Phân Quân - TTXVN

Mưa lớn đã gây một đợt lũ trên diện rộng ở các sông Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk đỉnh lũ thượng lưu các sông ở mức trên báo động (BĐ) 3 khoảng 1m, hạ lưu ở mức từ BĐ2 đến BĐ3, riêng hạ lưu sông Gianh, Kiến Giang (Quảng Bình) và sông Ba (Phú Yên) lên trên BĐ3 từ 0,7 - 1,5m; các sông khác khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ở mức BĐ2.

Sau hai đợt mưa lũ, hầu hết các hồ chứa thủy điện lớn khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đạt 80 - 90% dung tích thiết kế. Thời điểm cao nhất đã có 29 hồ phải xả lũ, một số hồ chứa xả lũ với lưu lượng lớn nhất đạt tới trên 11.000 m3/s (hồ sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên).

Thực tế trên dẫn tới nhiều vùng ở miền Trung bị ngập lụt nghiêm trọng, làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương: Lượng mưa tại khu vực từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 20%. Khu vực Tây Nguyên tháng 12 dự báo lượng mưa ngang với mọi năm, từ tháng 1 - 3/2017 lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình mọi năm từ 10 - 30%. Từ tháng 1 - 3/2017 có khả năng xảy ra hiện tượng mưa trái mùa tại Tây Nguyên.

Một trong những nguyên nhân gây lũ lụt là công tác dự báo chưa sát với thực tế. Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi, Công nghệ hệ thống quan trắc, rada, lưới trạm khí tượng thủy văn còn thiếu và yếu. Nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt, công tác dự báo mưa lũ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cũng thừa nhận, lượng mưa quá lớn, trên khu vực rộng nên vượt quá khả năng dự báo trước 2 - 3 ngày. Những thông tin về mưa lớn chỉ được cảnh báo trước từ 6 - 12 tiếng, nên gây ra sự lúng túng nhất định trong việc ứng phó với mưa lũ.

Đại diện các tỉnh Phú Yên, Quảng Bình, Hà Tĩnh... cũng cho rằng, công tác dự báo còn chậm, chưa sát với thực tế khiến công tác ứng phó với mưa bão còn bị động.

Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản đồ ngập lụt, phương án đảm bảo an toàn hạ du. Đặc biệt là việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế.

Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận, trong các đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung, có hai nhà máy thủy điện để xảy ra thiếu sót trong công tác vận hành xả lũ. Đó là Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh), Thủy điện An Khê - Ka Năk (Gia Lai) đều chưa thông báo đầy đủ cho vùng hạ du khi có sự cố xảy ra, dẫn tới vùng hạ du bị ngập lụt.

Quy hoạch và xây dựng bản đồ thoát lũ

Theo các chuyên gia, tình hình thiên tai đặc biệt là bão, mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mưa lũ ở miền Trung trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, chính quyền cơ sở còn bị động, thậm chí còn chủ quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chưa hiệu quả. Có những nơi địa hình bình thường nhưng đã để xảy ra thiệt hại về người. Công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu với việc mưa lũ xảy ra nhanh chóng, ở nơi địa hình phức tạp.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác vận hành điều tiết xả lũ, thông tin hồ chứa còn nhiều bất cập, khó khăn cho công tác ứng phó. Đặc biệt đối với người dân, ví dụ Thủy điện Hố Hô thông báo đến hạ du rất chậm, quy trình vận hành chưa tốt gây thiệt hại cho người dân.

Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu lại quy hoạch phát triển hạ tầng, đô thị, xây dựng nông thôn, khu công nghiệp, giao thông... để không làm giảm các khu vực chứa nước, tiết diện dòng chảy, dẫn tới ngập úng nhanh. Xây dựng công trình giao thông phải tính toán ống thoát nước phù hợp với tần suất xuất hiện của mưa lũ. Điều tiết xả lũ không để thiệt hại kinh tế, tính mạng của Nhà nước, người dân.

Ngoài ra: “Các bộ cần phối hợp để xây dựng bản đồ ngập lụt. Có kế hoạch cụ thể để trồng mới rừng, rà soát lại toàn bộ quy hoạch thoát lũ của mỗi địa phương và liên vùng dựa trên quy hoạch mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, mưa lũ được dự báo vẫn còn diễn ra phức tạp ở khu vực miền Trung. Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Các hồ đập, sông đã đầy nước nên cần quan tâm tới dự báo thời tiết. Công tác cứu hộ, cứu nạn nhất là vùng biển cần đặc biệt quan tâm vì khí hậu bất thường có thể xuất hiện ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các tỉnh cần có phương án phục hồi sản xuất, đề xuất để Trung ương hỗ trợ”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng: Tính toán hiệu quả thủy điện 

  Thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh đã gây nhiều thiệt hại cho người dân. Qua kiểm tra cho thấy, đây là thủy điện nhỏ với 38 triệu m3 nước, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng/năm. Do vậy, lũ lên bao nhiêu là nước xuống bấy nhiêu. Nên cần tính tới hiệu quả kinh tế của thủy điện với hậu quả để lại rất lớn. Không để tình trạng xả lũ không thông báo cho dân dẫn đến thiệt hại nặng nề như vừa qua. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về thiên tai, sự cố và cách phòng tránh, không chủ quan trong ứng phó để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo quan tâm đầu tư xây dựng các trạm quan trắc đo mưa, mực nước trên các sông nhất là hệ thống sông ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. 

Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương): Rà soát lại các hồ đập thủy điện 

  Qua phân tích những tồn tại tại hai thủy điện Hố Hô và An Khê - Ka Năk, Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan và năng lực quản lý của cán bộ còn yếu. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và xử phạt nghiêm minh những những chủ hồ chứa không thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa... Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo các hồ đập sẽ rà soát và chỉ đạo ban quản lý các hồ đập thủy điện phải tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác vận hành hồ chứa, đặc biệt là vận hành xả lũ đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du. Hoàn thiện và duy trì hệ thống camera giám sát mực nước hồ chứa.


Hữu Vinh
 Bình Định "gồng mình" ứng phó với mưa lũ
Bình Định "gồng mình" ứng phó với mưa lũ

“Lũ chồng lên lũ” đã khiến người dân Bình Định phải gồng mình ứng phó. Tần suất mưa lũ quá lớn đã gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN