Rừng thông phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 bị triệt phá

Với diện tích khi mới trồng trên 400 ha, sau hơn 30 năm, đến nay rừng thông phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) chỉ còn khoảng 200 ha.

Những gốc thông bị đốt, khoan, đổ hóa chất đến chết. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN


Những cánh rừng thông rậm rạp, xanh tươi kéo dài hàng chục km trước đây nay chỉ còn lại những khoảnh nhỏ, đan xen với nương rẫy do người dân xâm lấn, rừng loang lổ như da báo. Thông ngã đến đâu, cây công nghiệp mọc lên đến đó. Đây là hệ quả của việc buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp hữu biệu để bảo vệ rừng thông trong những năm qua.

Khi đi trên Quốc lộ 14 qua 2 xã Nâm N'Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song), không khó khăn khi nhìn thấy hàng chục nghìn cây thông gần 40 năm tuổi, đường kính 30-50cm đã bị đầu độc, hủy hoại và chết khô. Dọc theo Quốc lộ 14, suốt quãng đường gần 30 km từ xã Nâm N'Jang đến cuối xã Trường Xuân hầu như đâu đâu cũng có hàng loạt cây thông chết. Khu vực ít thì có vài cây, khu vực nhiều thì có hàng trăm cây thông đang chết đứng; nhiều vạt rừng, thông chết không còn cây nào.

Khu vực có cây thông chết là những nơi có mặt tiền Quốc lộ hoặc sát với nương rẫy người dân. Và thông chết đến đâu, thì cà phê, hồ tiêu, hoa màu thay thế đến đó. Trước đây, những kẻ phá rừng giết chết cây thông để xâm chiếm đất rừng bằng cách gọt vỏ cho thông chết dần rồi đốn hạ, thực hiện "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt" rừng thông. Thời gian gần đây, những cây thông nằm sát nương rẫy của người dân cũng bị tận diệt bởi thủ đoạn đầu độc bằng hóa chất. Thông bị khoan lỗ và đổ hóa chất làm cho cây chết dần chết mòn.

Vạt rừng chết khô do bị phá hoại bên cạnh vạt rừng xanh ngút ngàn. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN


Dọc theo đường vào bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang (kế bên Quốc lộ 14), hàng chục nghìn gốc thông nằm dọc theo tuyến đường với chiều dài khoảng 2,5 km đã bị đầu độc làm chết đứng. Theo một số người dân sống lâu năm tại khu vực này, trước đây khi dân cư thưa thớt thì thông dày đặc, rừng thông lúc nào cũng xanh lá. Lúc đó, bà con chỉ khai hoang dưới chân đồi để trồng cà phê nhưng sau này hồ tiêu được giá nên bà con cứ lấn dần lên khu vực rừng thông, rồi chặt phá, thông cứ thế chết dần. Cũng theo bà con nơi đây, từ khi con đường vào bản Đắk Lép hoàn thành (khoảng được gần 1 năm) thì những cây thông dọc theo trục đường bắt đầu bị đầu độc, chặt phá ồ ạt.

Như vậy, có thể nói, việc mở rộng đường và để mở rộng diện tích đất nông nghiệp tại đây đã đặt dấu chấm hết cho vạt rừng xanh ngút ngàn. Hàng chục nghìn cây thông với đường kính gốc trên 30cm, nhiều cây có đường kính đến 50cm đã vĩnh viễn bị xóa xổ. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, số thông bị hủy hoại này diện tích lên đến hàng chục ha.

Ông Lâm Văn Trung, một người dân xã Nâm N'Jang cho biết: “Nhìn thấy rừng thông bị phá, tôi thấy rất đau lòng. Vì cảnh quan môi trường và cuộc sống của con người, khu này chẳng khác gì một lá phổi cho xã Nâm N'Jang”.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, nguyên nhân của việc mất rừng thông phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 là do người dân diệt thông để lấy đất canh tác và làm nhà, nhất là vùng đất mặt đường thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán. Việc rừng thông bị bức tử bằng hóa chất rất khó phát hiện. Trước đây, rừng thông liền vùng nay chỉ còn manh mún, rải rác và đan xen với nương rẫy, nhà ở của người dân, lại kéo dài trên 20 km nên việc bảo vệ, canh giữ rất khó khăn. Hơn nữa, những đối tượng phá rừng thường tiến hành khoan và đổ hóa chất để diệt thông vào ban đêm. Khi phát hiện ra, các đối tượng vứt các dụng cụ rồi bỏ trốn nên cán bộ kiểm lâm khó bắt quả tang và xử lý.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song cho biết: "Đối với diện tích rừng thông bị đầu độc chết, kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Đoàn 12 (Đoàn công tác liên ngành thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng) đi kiểm tra, rà soát tất cả diện tích này. Đối với diện tích bị mất ở mức xử lý hành chính thì Hạt Kiểm lâm sẽ lập hồ sơ để xử lý hành chính. Còn đối với diện tích trên mức xử lý hành chính, có dấu hiệu hình sự thì sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, giám định thiệt hại và các thủ tục liên quan để khởi tố vụ án. Hiện nay, Đoàn 12 cũng đang tích cực vào cuộc với lực lượng công an truy tìm các đối tượng này để xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe những đối tượng khác cũng như bảo vệ rừng thông và cảnh quan môi trường".

Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: “Rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 bị người dân xâm canh, lấn chiếm và phá hại rất nhiều. Lực lượng chức năng và chính quyền các cấp đã vào cuộc rất mạnh mẽ, tuy nhiên những đối tượng phá rừng rất tinh vi, thường phá rừng thông một cách nhỏ lẻ, kéo dài và thực hiện vào ban đêm nên việc phát hiện, ngăn chặn hết sức là khó”.

UBND huyện Đắk Song đã chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án điều tra để hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng. Huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và chung tay với chính quyền bảo vệ rừng; cố gắng ngăn chặn, phục hồi diện tích rừng đã bị tàn phá.

Tuy nhiên, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm các đối tượng tàn phá rừng thông. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc để mất rừng cũng cần được làm rõ và phải xử lý nghiêm minh trước khi những vạt rừng thẳng tắp, cao vút được ví đẹp như tranh vẽ bị bức tử tới cây cuối cùng.

Ngọc Minh (TTXVN)
“Báo động đỏ” nạn phá rừng ở Điện Biên
“Báo động đỏ” nạn phá rừng ở Điện Biên

Lực lượng kiểm lâm và người dân huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã kiệt sức và đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn phá rừng của những người dân di cư tự do.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN