Rừng phòng hộ ven biển - lá chắn xanh bảo vệ môi trường

Tháng 10/2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho các huyện vùng ven biển, đầm phá xây dựng dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng (bao gồm vùng cát, ven biển, cửa sông, đầm phá) theo hướng lâm sinh tổng hợp.

Theo đó, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc và Ban quản lý Chân Mây - Lăng Cô vừa tổ chức bảo vệ và phát triển rừng, sắp xếp lại diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây tạo ao nuôi sinh thái, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cân đối bố trí kinh phí đầu tư cho các dự án, phấn đấu đến năm 2012 tiếp tục quản lý, bảo vệ 12.000 ha rừng vùng cát ven biển; trồng mới 1.150 ha với các loại cây như keo, phi lao, và cây ngập nước...

Rừng phòng hộ ven biển có giá trị vô cùng to lớn.


Vùng cát ven biển, đầm phá ở Thừa Thiên - Huế có đến 42 xã, thị trấn thuộc các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, với chiều dài gần 50 km, rộng hàng chục nghìn ha. Rừng phòng hộ ven biển ở đây vì thế có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn nạn cát bay, cố định các cồn cát, hạn chế nạn sạt lở bờ biển. Nếu được chăm sóc, bảo vệ, trồng bổ sung hàng năm, rừng phòng hộ ven biển sẽ tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong sự tương tác ấy, rừng ở đây còn tạo cho vùng cát ven biển môi trường sinh thái trong lành, đồng thời, cải thiện được các điều kiện khắc nghiệt của môi trường vùng đất cát như nhiệt độ ở lớp cát mặt tăng cao trong mùa hè và sự thiếu hụt nước ngầm nghiêm trọng trong mùa khô...

Thực hiện dự án trồng rừng 661, các địa phương trong vùng đã trồng và chăm sóc được gần 4.600 ha rừng, trong đó vùng cát ven biển gần 1.900 ha và vùng cát nội đồng. Bình quân mỗi năm trồng 450 ha, chủ yếu là keo lưỡi liềm, keo lá tràm, phi lao, nâng độ che phủ rừng của các địa phương trong vùng dự án tăng lên 30%. Các địa phương còn trồng hơn 5.200 m cây dọc các tuyến đê ven phá và ven biển để nâng cao giá trị phòng hộ. Các dự án trồng rừng đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 2.230 hộ gia đình và hơn 10 nghìn lao động. Trong đó, riêng vùng cát nội đồng huyện Quảng Điền có diện tích gần 3.200 ha rất thuận lợi cho chăn nuôi, thoáng, rút nước nhanh. Nhờ phủ xanh đất trống, đồi trọc, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 32 trang trại, hầu hết đều làm ăn có hiệu quả, nhiều trang trại đạt giá trị hàng hóa trên 1 tỉ đồng mỗi năm.

Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân, các địa phương cần tiến hành cấp quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, để họ yên tâm phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn nữa...Mặt khác, hiện ở một số nơi, do chưa coi trọng rừng phòng hộ ven biển, xảy ra nạn chặt phá rừng phi lao để khai thác khoáng sản, làm hồ nuôi tôm, kể cả đào bới gốc phi lao làm cây cảnh tạo nên những vùng trống ven biển. Mấy năm gần đây, dải cát ven biển và đầm phá đang là khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư lập các dự án du lịch, công nghiệp, khu dân dụng, nghỉ dưỡng...Vì thế tỉnh cần phải tính toán thêm các giải pháp để bảo vệ hoặc thay thế nếu không, tình trạng rừng phòng hộ ven biển bị mất, đồng nghĩa với nạn sạt lở và sa mạc hóa cho vùng cát xảy ra, hậu quả sẽ khôn lường.

Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN