Để làm rõ hơn các hướng dẫn liên quan đến sự phối hợp giữa các địa phương trong xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền.
Xin ông cho biết khái niệm "chất thải phát sinh do dịch COVID-19? Quy trình xử lý thế nào? Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 có phạm vi áp dụng ra sao?
Theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, từ các cơ sở y tế, cơ sở điều trị, khu cách ly, khu dân cư bị phong tỏa, ngoài chất thải sinh hoạt thông thường hằng ngày, còn phát sinh chất thải khác như khẩu trang, khăn lau miệng, các dịch đờm, mũi… Đấy là những loại chất thải mà nếu từ người bị dương tính với SARS-CoV-2 sẽ có nguy cơ cao gây lây nhiễm, cần phải được quy định quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm và quản lý như đối với quản lý chất thải nguy hại.
Thông tư liên tịch 58/2015/ttlt-byt-btnmt ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế đã có quy định rất rõ đối với chất thải y tế thông thường, chất thải y tế lây nhiễm. Chất thải y tế lây nhiễm phải được quản lý như chất thải nguy hại và quy trình từ khâu phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý theo một quy trình khác. Hiện nay, chúng ta xử lý theo điều kiện ngặt nghèo hơn, theo quy trình riêng. Trường hợp các cơ sở được xử lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép sẽ được xử lý một số mã chất thải y tế.
Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành những hướng dẫn về vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường do rác thải do COVID gây ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành rất nhiều văn bản có liên quan, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có chất thải phát sinh do COVID gây ra. Việc này áp dụng cho tất cả các địa phương để cùng thực hiện theo một hướng dẫn chung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hướng dẫn ưu tiên tập trung xử lý chất thải y tế tại chỗ. Tuy nhiên, trong trường hợp địa phương không đủ năng lực xử lý, Bộ có đề xuất gì, thưa ông?
Chúng ta thấy rằng không phải địa phương nào cũng có nhà máy xử lý chất thải nguy hại nói chung và cứ có nhà máy xử lý chất thải nguy hại là có xử lý chất thải y tế nói riêng. Do vậy, việc xử lý chất thải liên vùng, liên tỉnh là tất yếu phải đặt ra. Với tình trạng dịch bệnh hiện nay có thể chất thải y tế phát sinh quá năng lực xử lý của địa phương, sẽ phải chuyển cho các đơn vị có chức năng ở địa phương khác để xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo nên xử lý theo mô hình cụm, cụm tập trung hoặc chuyển cho các đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có mã xử lý chất thải y tế. Lưu ý cần chuyển đến các đơn vị đảm bảo có khoảng cách gần nhất, tránh đi đến nơi ở khoảng cách quá xa. Trong quy trình này, có quy định chặt hơn đối với phương tiện vận chuyển, phải đảm bảo rất ngặt nghèo, kín khít bằng các thiết bị chuyên dụng để tránh phát tán nguy cơ có thể có đối với các mầm bệnh ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Các quy định hiện nay cũng đã khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải, xử lý mang tính chất thải liên vùng, tránh tình trạng đầu tư nhỏ lẻ nhiều khi không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho hơn 100 cơ sở xử lý chất thải nguy hại, trong đó có khoảng 70% cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong giấy phép có mã xử lý chất thải y tế và nằm rải rác trên các địa bàn trong cả nước. Quy trình xử lý rất chặt từ khâu thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Về cơ bản, xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo hấp, khử khuẩn vi sóng hoặc xử lý trong các lò đốt chất thải nguy hại, đảm bảo xử lý triệt để các yếu tố có nguy cơ phát sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19 cho một số đơn vị. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Theo quy định của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại có quy định đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trước khi được cấp giấy phép phải thực hiện vận hành thử nghiệm trong thời gian 6 tháng để đánh giá lại hiệu quả các công trình, thiết bị xử lý môi trường. Trong thời gian 6 tháng, nếu đáp ứng yêu cầu thì Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thì Bộ mới cấp phép. Việc chấp nhận vận hành thử nghiệm cho các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, trong đó có xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Đây gần như là giấy phép tạm để doanh nghiệp có được đi thu gom chất thải nguy hại để đạt mức tối đa công suất vận hành thử nghiệm, nếu đáp ứng thì mới cấp phép.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hằng năm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở xử lý rác thải nói chung, trong đó có cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kể cả kiểm tra cấp phép nếu các cơ sở không tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí nếu vi phạm có thể đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, tuỳ từng trường hợp cụ thể. Về tinh thần đối với các cơ sở như thế này chúng tôi xử lý nghiêm. Hiện nay, các cơ sở này đều buộc phải lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu về sở Tài nguyên và Môi trường để chúng tôi theo dõi, giám sát, thời gian tới sẽ truyền về Tổng cục Môi trường.
Bộ có khuyến cáo gì với địa phương và người dân trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay?
Chúng tôi cũng rất mong muốn người dân thực hiện nghiêm các quy định môi trường nói chung, trong đó có các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về vấn đề quản lý rác thải. Ví dụ đơn giản không phải lúc nào chúng ta cũng dùng khẩu trang y tế. Khi đến vùng xanh dịch bệnh, chúng ta thực hiện 5K nhưng có thể dùng khẩu trang vải, thay vì khẩu trang dùng 1 lần phải thải ra hằng ngày thì chúng ta có thể tái sử dụng 20-30 lần. Hành động tuy rất nhỏ nhưng giảm chất thải phát sinh phải xử lý, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Ở những khu cách ly, cơ sở y tế hoặc các khu vực phong tỏa, chúng ta thực hiện nghiêm phân loại chất thải tại nguồn, đặc biệt đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm phải thải bỏ đúng quy định để tránh lẫn chất thải sinh hoạt với chất thải y tế lây nhiễm. Vì xử lý 2 loại rác thải này khác nhau, nếu không phân loại sẽ tăng khối lượng chất thải lây nhiễm cần xử lý kéo theo tăng kinh phí, tăng tần suất chất thu gom, vận chuyển.
Với các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tránh bị động trong các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Địa phương phải rà soát ngay kế hoạch quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải y tế. Bên cạnh đó, phải dự báo tình hình dịch bệnh, đánh giá năng lực đáp ứng thực tế của địa phương về việc xử lý chất thải nếu nguy cơ dịch bệnh tăng lên, để có kế hoạch điều chỉnh về thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Các địa phương cũng cần liên kết, chung tay chia sẻ đối với địa phương khác trong trường hợp địa phương đó quá tải về vấn đề xử lý chất thải y tế tại địa bàn. Tức là các địa phương cũng phải đồng ý cho cơ sở được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép ở địa phương mình thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải từ địa phương khác về xử lý, tránh chuyện cát cứ; đồng thời cùng chung tay với các tỉnh bạn để sớm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe, cuộc sống của người dân, cũng như bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!