Đây là chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đưa ra tại cuộc họp ngày 30/1 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ cấm người qua lại các đường mòn, lối mở biên giới; tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và các điểm xuất hàng; các địa phương biên giới và các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo, hạn chế đến mức tối đa hoạt động xuất cảnh; cấm tuyệt đối và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, hải sản và xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Không đưa lao động của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương biên giới sang Trung Quốc làm việc trong điều kiện dịch bệnh nCoV chưa được dập tắt. Đối với các chuyên gia và lao động nước ngoài từ Trung Quốc sang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, phải thiết lập quy trình giám sát 2 lớp về tình trạng sức khỏe chặt chẽ, thường xuyên, liên tục cho đến khi có công bố hết dịch.
Các địa phương biên giới, đặc biệt là thành phố Móng Cái cần theo dõi sát diễn biến, thông tin, nắm rõ các chỉ báo, kịp thời báo cáo ngay với cấp trên trong tình hình cấp bách, áp dụng ngay các biện pháp hạn chế hoạt động qua lại của cư dân biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái theo thẩm quyền.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lưu ý: Ngành Y tế phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để dự phòng, phát hiện sớm, cách ly triệt để các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Các địa phương biên giới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và ngành Y tế cần khẩn trương hoàn thiện các khu cách ly, khởi động phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống đột xuất xảy ra. Các ngành Công an, Biên phòng thiết lập ngay các kênh theo dõi, giám sát di biến động xuất nhập cảnh qua biên giới.
Về cơ chế thông tin, báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương duy trì thực hiện trạng thái báo cáo 3 lần/ngày (trước 8 giờ, 12 giờ và 18 giờ hàng ngày) và sẵn sàng cho các trạng thái cao hơn (báo cáo 3 tiếng/lần, và báo cáo thường xuyên, liên tục).
Về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin, phải đảm bảo chuẩn xác tuyệt đối, đúng thực tế, chủ động dẫn dắt và định hướng đúng đắn thông tin. Chịu trách nhiệm phát ngôn ở cấp tỉnh là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Cao Tường Huy, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona; ở Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế; ở các địa phương là Bí thư cấp ủy.
Tại Quảng Ninh, trong ngày 29/1, thông qua kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 trường hợp công dân trở về từ Trung Quốc có dấu hiệu sốt, ho, nghi nhiễm nCoV. Trường hợp trên đã được đưa về cách ly tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát ca bệnh theo quy định, bước đầu xác định không nhiễm cúm A, B, phổi không có tổn thương, hiện đang chờ các kết quả xét nghiệm khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất Quảng Ninh đặt ra là dứt khoát không để xuất hiện dịch bệnh và tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương biên giới; bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân; hạn chế thấp nhất tử vong do dịch gây ra; đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp.
Ba địa phương biên giới của tỉnh, trong đó trọng điểm là thành phố Móng Cái, nếu để dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trên địa bàn do cư dân biên giới, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở và thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể của cả hệ thống chính trị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải coi việc phòng, chống dịch như chống giặc, là việc cấp bách, trọng tâm, không được để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Các cấp, các ngành chức năng và các địa phương phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các phương án, điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để vận hành hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng ngừa là chính, lấy người dân làm trung tâm trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế và trang bị phòng hộ cho nhân dân, nhân viên y tế và các lực lượng chức năng từ cơ sở đến tỉnh.