Quảng cáo rao vặt trái phép: Lại vi phạm tràn lan-Bài cuối: Cần có giải pháp tổng thể

Thực tế, các biện pháp chống quảng cáo rao vặt (QCRV) trái phép của Hà Nội đang triển khai theo hình thức phong trào, theo từng đợt ra quân. Chính vì vậy, các quận nội thành, thị xã kiến nghị cần có những chế tài, cũng như biện pháp mạnh mẽ hơn.

 

Vẫn chỉ là bề nổi


Các giải pháp xóa QCRV trái phép đang được Hà Nội huy động đoàn viên thanh niên từng địa phương xóa rác tường; cắt số điện thoại và xây dựng biển báo dành cho QCRV miễn phí. Tuy nhiên, các biện pháp mà lực lượng chức năng triển khai mới chỉ là bề nổi, chưa mang lại hiệu quả. Điều này có thấy cứ sau mỗi lần ra quân xóa những QCRV trái phép được một thời gian, các đối tượng lại in đè lên đúng chỗ đó. Thậm chí cách sơn xóa QCRV trái phép trên tường thực hiện như vậy được đánh giá thiếu thẩm mỹ, để lại những mảng trắng loang lổ như da báo.


 

Còn với các biện pháp cắt số điện thoại mà các ngành chức năng Hà Nội đang triển khai cũng kém hiệu quả, do phần lớn là sim rác. Để đối phó, các đối tượng sử dụng QCRV trái phép thường xuyên thay số, chỉ giao dịch trên điện thoại hoặc dùng địa chỉ giả.


Với chủ trương “xây đi kèm chống”, giải pháp đặt các bảng QCRV miễn phí tại điểm đông người triển khai khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên giải pháp này đang đánh giá ít hiệu quả. Tại quận Ba Đình, quy định mỗi phường có 2 tấm biển quảng cáo và đặt nơi dễ nhìn thấy. Tại thị xã Sơn Tây xây dựng 60 biển để ai có nhu cầu QCRV dán vào đó...”. Tuy nhiên có thể thấy người có nhu cầu quảng cáo không mấy mặn mà tại bảng quảng cáo miễn phí này. Thời điểm đầu, cũng có người dán QCRV vào đó, nhưng sau đó không hiệu quả nên chẳng mấy ai dán thông tin lên đó. Đó là chưa kể, có tấm biển dành cho QCRV lại trở thành nơi tập kết phế thải xây dựng, rác thải nên chẳng ai dừng lại xem”, đại diện MTTQ phường Đội Cấn cho biết.


Quả thực, khảo sát về hiệu quả những tấm biển dành cho QCRV hiện nay tại các quận nội thành Hà Nội cho thấy rất ít người quan tâm, nhiều biển để chỏng chơ, hầu như không ai dán QCRV và thậm chí nhiều tấm biển còn bị vẽ bậy lên đó. Chị Hường, bán vé xổ số gần tấm biển QCRV đường Liễu Giai, cho biết: “Người đi đường ít để ý đến nội dung trên QCRV bởi chữ quá bé và chẳng ai dừng lại đọc nội dung trên đó”.


Do thấy không hiệu quả, nên những người có nhu cầu QCRV lại dán, sơn lên tường, cột điện để phục vụ lợi ích kinh doanh của mình.

 

Cần có chế tài xử phạt nặng


Tại cuộc họp giao ban thành phố Hà Nội về quản lý, tổ chức QCRV trái phép trên địa bàn vừa tổ chức mới đây, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại các quận, huyện đều cho rằng, các giải pháp ra quân xóa rác tường hiện vẫn chỉ mang tính phong trào, bề nổi nên chỉ dẹp được một thời gian. Thiếu các chế tài xử phạt mạnh đang được coi là điểm yếu của việc xử lý dứt điểm tình trạng này.


Để ngăn chặn việc QCRV trái phép, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội cho biết: Bên cạnh các giải pháp đang triển khai, Sở Xây dựng quy trình thống kê và cắt thuê bao điện thoại vi phạm QCRV trái phép một cách kịp thời theo trình tự rút gọn. Tính từ tháng 5/2010 đến nay đã cắt hơn 2.800 số điện thoại. Những số điện thoại bị ngừng cung cấp dịch vụ do vi phạm QCRV không tái sử dụng trong 2 năm; yêu cầu ngành điện lực cùng tham gia bóc xóa QCRV trên tủ, dây điện...


Giải pháp xử phạt mạnh đều được đại diện các phòng văn hóa, thể thao các quận nội thành, thị xã của Hà Nội kiến nghị. Trong đó, Sở Thông tin Truyền thông và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần lập thanh tra liên ngành để xử lý với những số điện thoại vi phạm nhiều lần. Đối với những số điện thoại có địa chỉ cụ thể cần thu hồi giấy phép kinh doanh.


“Để làm được việc này thì cần sự tham gia của cả cộng đồng, ở những tuyến phố chính, nếu thấy có đối tượng vi phạm, người dân cần nhắc nhở, phản đối. Khi đó, đối tượng sẽ không dám làm nữa”, đại diện Phòng Văn hóa - Thể thao quận Hoàn Kiếm cho biết.


Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, cần phải xử lý nghiêm những QCRV vi phạm điển hình, nhất là những QCRV có địa chỉ cụ thể. Bên cạnh đó là sự tham gia của cộng đồng dân cư. Nếu mọi người cùng ý thức, nhắc nhở với những người đi dán thuê thì họ cũng không dám ngang nhiên vi phạm. Với hình thức dán trộm thì khi bắt được cũng xử phạt nghiêm để mang tính răn đe.


Trên thực tế, nhu cầu quảng cáo và tiếp nhận thông tin dịch vụ là có thật. Tuy nhiên, để nhu cầu này hài hòa với cuộc sống, mỹ quan đô thị văn minh hiện đại thì bên cạnh những biện pháp xử lý của cơ quan nhà nước, cũng cần ý thức của người dân trong việc phản đối, không dùng dịch vụ này. Đồng thời, các đối tượng có nhu cầu quảng cáo có thể dùng các hình thức văn minh hơn như gửi tờ gấp, quảng cáo trên Internet...


Xuân Minh

Quảng cáo rao vặt trái phép vi phạm tràn lan: Bài 1: Muôn vàn kiểu quảng cáo rao vặt
Quảng cáo rao vặt trái phép vi phạm tràn lan: Bài 1: Muôn vàn kiểu quảng cáo rao vặt

Từ đầu năm 2012 trở lại đây, hình thức quảng cáo rao vặt trái phép (QCRV) tại Hà Nội có xu hướng tăng, gây mất mỹ quan đô thị. Rất nhiều biện pháp xử lý đã được đưa ra, tuy nhiên tình trạng xem ra vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN