Quảng cáo rao vặt trái phép vi phạm tràn lan: Bài 1: Muôn vàn kiểu quảng cáo rao vặt

Từ đầu năm 2012 trở lại đây, hình thức quảng cáo rao vặt trái phép (QCRV) tại Hà Nội có xu hướng tăng, gây mất mỹ quan đô thị. Rất nhiều biện pháp xử lý đã được đưa ra, tuy nhiên tình trạng xem ra vẫn chưa được cải thiện nhiều.

 

Các hình thức QCRV trái phép tại Hà Nội hiện nay đã có nhiều biến tướng để né tránh, đối phó với những biện pháp truy quét của lực lượng chức năng. Loại hình QCRV trái phép chủ yếu vẫn là sơn số điện thoại, dán quảng cáo lên tường, treo mẩu quảng cáo lên dây điện, dán đề can tại cửa ra vào...


Biến tướng


Trong hơn một năm trở lại đây, các hình thức QCRV trái phép tại Hà Nội nở rộ nhưng chuyển sang in nhỏ hơn và dùng những chất liệu khó xóa hơn trước để đối phó với lực lượng chức năng.


 

Biển quảng cáo rao vặt miễn phí tại phố Liễu Giai chẳng mấy người chú ý.

 

“Trước kia họ in số điện thoại và tên dịch vụ lên tường bằng chữ to, nay họ in kiểu đề can bóng nhỏ bằng ngón tay dán gần ổ khóa, hoặc bằng bàn tay dán vào thành hoặc đáy cửa cuốn”, chị Hữu Duyên, phố Đội Cấn, cho biết.


“Với những QCRV trái phép dùng sơn viết lên tường, chất liệu sơn cũng tốt hơn trước và họ thường sơn lên mặt đá nhẵn khó cạo rửa. Nếu lực lượng chức năng chỉ quét vôi lên, sau vài trận mưa, trôi lớp vôi thì quảng cáo đó lại hiện lên. Thậm chí giấy dán lên tường chất liệu cũng dính hơn. Trước kia chỉ cần xịt nước ẩm rồi bóc gỡ được giấy QCRV, nay cạo mất nhiều thời gian. Nếu không cạo kỹ trông còn bẩn hơn”, ông Hùng (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết.


Đó là những biến tướng của QCRV trái phép đang diễn ra trong thời gian gần đây. “Hiện hình thức QCRV trái phép cũng giảm ở các trục đường phố chính, đông người qua lại, mà chuyển vào ngõ ngách, nơi ít bị bắt gặp khi thực hiện dán loại QCRV này. Bên cạnh đó, họ thực hiện treo cao QCRV trái phép lên cây, đường dây diện, dán vào hộp công tơ, trạm biến thế, vì nơi đó lực lượng chức năng không dám xóa do quy tắc an toàn của ngành điện”, đại diện Sở Thông tin- Truyền thông Hà Nội cho biết.

 

Khó xử lý


“Hầu hết các QCRV trái phép hiện chỉ có tên dịch vụ và số điện thoại, nên khi gọi đến các số đó đề nghị được gặp trực tiếp thì đều nhận được sự từ chối và chỉ trả lời sẽ cử thợ đến. Trong khi đó, phần lớn số điện thoại quảng cáo đều là sim rác nên rất khó tìm chủ thuê bao để xử phạt hành chính”, đại diện Sở Thông tin truyền thông Hà Nội cho biết. Một số nơi đã lên phương án giả làm khách hàng liên lạc với các đối tượng QCRV trái phép, mời họ đến và căn cứ vào đó xử phạt, nhưng họ luôn cảnh giác.


Đại diện Mặt trận Tổ quốc phường Đội Cấn (quận Ba Đình) kể: “Cuối năm 2011, dân phòng có bắt được 2 người đang dán QCRV trái phép và đưa về công an phường để lấy lời khai. Tại đây, họ nói không có CMT hoặc bất cứ tài sản giá trị nào trên người. Chỉ có bình xịt sơn và tập giấy quảng cáo số điện thoại. Họ chỉ nhận là người làm thuê, đang đứng ở chợ lao động ngã tư đường Bưởi - Hoàng Quốc Việt, có người đàn ông đưa cho họ 100.000 đồng bảo đi “bắn” sơn lên tường. Họ không biết người thuê dán QCRV là ai. Họ chỉ là người làm thuê, không có tiền nộp phạt. Sau khi giữ khoảng 2 tiếng, công an phường cũng chỉ lập biên bản và cho họ về”.


Để xóa QCRV trái phép trên tường, hiện nay các quận nội thành giao cho phường quản lý. Các phường giao lại các tổ dân phố và từng khu vực gia đình giám sát địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, các hộ dân chỉ ngăn cản khi phát hiện thấy có người dán, sơn QCRV trái phép. Trong khi đó, hiện nay, các đối tượng dán, sơn QCRV trái phép chỉ thực hiện vào ban đêm, lúc vắng người qua lại.


“Hiện chỉ có thị xã Sơn Tây, do địa bàn hẹp, một số quảng cáo có ghi địa chỉ nên phòng VH-TT thị xã đã làm việc với phường và tìm ra được 5 trường hợp, đã yêu cầu họ khắc phục tự đi xóa những QCRV trái phép. Còn lại thì lập đoàn kiểm tra, thống kê số điện thoại trong QCRV trái phép đưa về sở TT-TT để yêu cầu cắt dịch vụ điện thoại. Chúng tôi cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, quay phim lại các hiện tượng QCRV, nhắc nhở trên hệ thống loa đài, phát thanh của phường, yêu cầu tổ dân phố thường xuyên giám sát. Dù vậy, với những QCRV trái phép không địa chỉ và thực hiện vào những lúc vắng người khó xử lý”, ông Hứa Đức Thịnh, trưởng phòng VH-TT thị xã Sơn Tây cho biết.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường


Kỳ cuối: Cần có giải pháp tổng thể

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN