Quản lý chặt chẽ việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới

Tại họp báo thường kỳ tháng 8, chiều tối 8/8, đại diện các cục, vụ, đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về các nội dung liên quan đến quản lý các sản phẩm thông qua nền tảng xuyên biên giới, cũng như việc xử lý các vi phạm trên môi trường mạng...

Loại bỏ các sản phẩm độc hại, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quản lý sản phẩm thông qua nền tảng xuyên biên giới, ngày 4/8/2023, Bộ đã tổ chức hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó có nội dung quản lý sản phẩm văn hóa trên các nền tảng xuyên biên giới.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận.

Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, Tiktok đều có sự phối hợp tích cực trong việc gỡ bỏ các thông tin vi phạm khi được yêu cầu. Từ ngày 1 - 24/7/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%); Google đã gỡ 1.052 video vi phạm trên YouTube (đạt tỷ lệ đáp ứng 91%); TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).

Trả lời câu hỏi về việc xử lý một số clip trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ trong thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, thông qua phản ánh từ báo chí và mạng xã hội, cơ quan quản lý sẽ đánh giá các thông tin đó có vi phạm pháp luật hay không. Nếu những nội dung đăng tải trên mạng là clip tự dàn dựng nhưng có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về quản lý thông tin trên môi trường mạng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, các thông tin trên mạng, bao gồm cả các clip dàn dựng, được phân làm ba loại: có vi phạm; không vi phạm; thông tin không vi phạm nhưng có nội dung không tích cực, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. 

"Với những nội dung không tích cực, phổ biến, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ nghiên cứu, đánh giá và có hướng xử lý" - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết và đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý trong việc phát hiện, đánh giá, lên án, cảnh báo đối với các nội dung trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu tới người sử dụng.

Liên quan đến kết quả thanh tra TikTok, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ: Đến thời điểm này, đoàn kiểm tra vẫn đang hoàn thiện kết luận và bổ sung các kiến nghị liên quan; khi có kết quả sẽ thông tin chính thức.

Xử lý kịp thời các vi phạm trên môi trường mạng

Trả lời các câu hỏi liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định 72), Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm rõ thêm về các đề xuất về: quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại; doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Đối với đề xuất quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Hiện nay các mạng xã hội trong nước cũng như xuyên biên giới đều đã có yêu cầu người dùng xác thực thông tin cá nhân khi đăng ký bằng email, số điện thoại hoặc cả hai.

Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại là do: Tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang gia tăng. Quy định này được đề xuất từ nhu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, mạng xã hội rất rộng, việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm, ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội. Quy định này cũng phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, nhất là Luật An ninh mạng. Đồng thời, hiện nay người dùng mạng xã hội có xu hướng chuyển từ dùng trên máy tính sang sử dụng điện thoại, do đó, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động sẽ tiện dụng hơn cho người dùng - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền lý giải.

Một trong những đề xuất của dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 là: Doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nêu rõ: Hiện nay việc sử dụng livestream trên mạng xã hội rất phổ biến, trong đó có những đối tượng đã sử dụng việc này để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức. Để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng dịch vụ internet đối với các vi phạm này, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 đang đề xuất các biện pháp xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có hình thức livestream.

Tuy nhiên, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng khẳng định: Việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet chưa phải là giải pháp triệt để vì đối tượng vi phạm có thể dùng các tài khoản khác nhau. Đây được coi là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp, để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng...

Phúc Hằng (TTXVN)
Nắm bắt thực tiễn đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật trong tình hình mới
Nắm bắt thực tiễn đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật trong tình hình mới

Sáng 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ năng lực đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN