Một hồi ức khá sâu sắc về ngày 6/1/1975 - giải phóng thị xã Phước Long (tỉnh Phước Long trước đây, nay thuộc tỉnh Bình Phước) có ý nghĩa đặc biệt. Các nhà cầm quân cách mạng coi sự kiện này là một liều thuốc thử nghiệm tuyệt vời, một đòn “trinh sát chiến lược” độc đáo để từ đó có đủ cơ sở ra một quyết định vô cùng trọng đại: Giải phóng Sài Gòn!
1.Tỉnh Phước Long hình thể giống như hình lục giác không đều cạnh, phía Đông và Bắc giáp Long Khánh, phía Tây giáp Bình Long, phía Nam giáp Bình Dương, diện tích 476.300 ha hầu hết là đất đỏ bazan, dân số khoảng 40.000 người, trong đó 20.000 công nhân cao su ở các đồn điền: Đa Kia, Bù Nho, Phú Riềng, Thuận Lòi và Nguyễn Tấn, có đông người dân tộc, nhất là Xê-tiêng trung kiên với cách mạng. Quan trọng hơn, Phước Long là điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, án ngữ phía Đông Bắc Sài Gòn, tiền đồn của quân khu III.
Một góc thị xã Phước Long ngày nay. Ảnh: K’gửih |
Với vị trí sung yếu này địch lại bố trí Phước Long ở một địa thế hết sức hiểm trở trên đồi đất cao. 3/4 chu vi có dòng sông Bé bao bọc kín, chỉ chừa cửa ngõ duy nhất là cầu Suối Dung được án ngữ bởi núi Bà Rá (Phước Sơn) cao 733 m là “mắt thần” của “Cây Xương Rồng” Tiểu khu quân sự Phước Long là nơi bất khả xâm phạm. Quân địch tự hào mang phù hiệu “Đỉnh núi cao với rồng xanh vươn mình đưa móng đỏ” như bùa hộ mạng. Từ tên chỉ huy đến hàng ngũ binh lính cũng được tuyển chọn toàn loại ác ôn, thiện chiến, suốt 9 đời tỉnh trưởng theo chế độ quân sự hóa đều là các sĩ quan cấp tá trực tiếp chỉ huy quân đội. Tên tỉnh trưởng đời thứ 8 khét tiếng gian ác Lưu Yễm, trong vòng 4 năm (1969 - 1973) hắn khoe đã mở 3.000 cuộc hành quân, bắn giết 4.923 người, bắt giam 100 người. Tên tỉnh trưởng cuối cùng (đời 9) đại tá Nguyễn Thống Thành quyết tử thủ bảo vệ Phước Long. Dưới trướng hắn có 11 trung tá, 22 thiếu tá, 93 đại úy, 163 thiếu úy, 2.000 hạ sĩ quan, 4.000 nhân dân tự vệ chiến đấu trong 68 liên đoàn nồng cốt. Ngoài ra còn sư đoàn 5 bộ binh sẵn sàng yểm trợ, hợp đồng tác chiến. Địch tự tin Tiểu khu quân sự “Hải đảo Phước Long” là nơi bất khả xâm phạm.
Vậy mà, trước sức tấn công dũng mãnh, mưu trí, siết chặt vòng vây của quân dân ta, cuối cùng tỉnh trưởng Nguyễn Thống Thành phải tìm đường trốn thoát, bỏ cả khẩu súng ngắn quý giá báng súng ốp bằng ngà voi. Các già làng người dân tộc phấn khởi nói mỉa mai: Rồng xanh Phước Long bị tử thương nằm co, tróc vảy, sứt móng lộ nguyên hình là con rắn. Trước đó mấy ngày, hàng loạt cứ điểm quân sự, những “cái gai nhọn” bảo vệ Phước Long đã bị quân dân ta róc sạch: Phước Tín - Bù Đốp lưu vong (13/12/1974), Bù Na (14/12/1974), Đồng Xoài (24/12/1974) và Phước Bình (31/12/1974). Nhân dân hả lòng hả dạ, vô cùng tự hào: với hai câu thơ rất trúng với bụng mình: “Sông Bé oai hùng cuộn sóng lên cao, Bà Rá ngất trời lộng ánh cờ sao”.
2. Phước Long oai hùng trong chiến tranh, nay cũng anh hùng trong xây dựng. Thị xã Phước Long chính thức được tái lập từ ngày 11/8/2009. Chỉ với thời gian 6 - 7 năm ngắn ngủi, nhưng lãnh đạo và nhân dân Phước Long với bề dày truyền thống Phú Riềng Đỏ bất khuất, người Kinh, người dân tộc anh em nhất trí đồng lòng như thời kháng chiến, quyết tâm xây dựng quê hương mình từ chiến trường đổ nát, tự lực tự tin, gượng đứng dậy trên đôi chân của mình, vượt mọi khó khăn thách thức xây dựng cơ nghiệp khá thành công ở gian đoạn đầu như ngày hôm nay thật đáng khâm phục. Các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, tuy chưa đồng đều, nhất là vùng đồng bào dân tộc, nhưng phát triển năm sau cao hơn năm trước.
Cáp treo lên núi Bà Rá. Ảnh: K’gửih |
Xuất phát từ tình hình thực tế đất và người địa phương nhiều thuận lợi, không ít khó khăn và theo hướng phát triển chung của cả nước, lãnh đạo Phước Long mạnh dạn xác định cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch - cũng là một liều thuốc thử nghiệm. Tuy lúc đầu công nghiệp còn chậm, nhưng các mặt khác, nhất là thương mại, du lịch tăng từ 38 - 45% năm 2015. Với trên 3.300 cơ sở thương mại dịch vụ vừa làm thay đổi bộ mặt trung tâm thị xã, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân. Nếu có ai hỏi về sự chăm lo của Đảng, chính quyền đối với nhân dân, thì người Phước Long sẽ kể ngay ba công trình thủy lợi, thủy điện: Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phu Miêng đã thay đổi lớn diện mạo Phước Long, tạo đà thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và sản xuất hàng hóa. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch phù hợp theo hướng thâm canh, gắn sản xuất với chế biến gia tăng giá trị hàng hóa.
Một sự thay đổi lớn đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Huy Thài (Phan Thành Lan), cán bộ lão thành cách mạng 65 năm tuổi Đảng, người gắn bó sâu nặng với đồng bào dân tộc Xê-tiêng - như một già làng - đã phấn khởi nhận xét: “Nhờ có cách mạng đã thay đổi nhận thức và nâng cuộc sống của bà con dân tộc đi lên. Người dân tộc có tập quán sống du canh du cư, quen làm rẫy, nay đã định canh định cư biết làm lúa nước hai vụ, con cháu làm công nhân cao su. Điển hình xã Đắc Ơ ngày nay là một xã trù phú với phần đông bà con dân tộc Xê-tiêng. Những căn nhà lợp tôn mái ngói đỏ tươi, với hàng bằng lăng trổ đầy hoa tím hai bên lối đi thẳng tắp”.
Nhìn dãy cáp treo như con thoi thông thả xuống lên đối diện “mắt thần” núi Bà Rá, du khách thấy sự khởi sắc của du lịch Phước Long. Du khách còn đến tham quan nhiều di tích lịch sử: Thác Mơ, cầu Suối Dung là những chứng tích oanh liệt ngày chiến thắng, Phú Riềng Đỏ - nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam Bộ; mã thằng Tây - là tên cai đồn điền ác ôn bị công nhân cao su Phú Riềng chém chết trong cuộc nổi dậy chống áp bức bóc lột năm 1930; cây khế trăm tuổi - vườn cây nữ tướng Nguyễn Thị Định; lâm viên Mỹ Lệ tiêu biểu rộng hàng chục hécta có nhiều chức năng vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, có cả xí nghiệp chế biến trà đặc sản Phước Long, do một người phụ nữ từ miền Tây Nam Bộ lên dựng nghiệp góp phần hàn gắn vết tích chiến tranh, như lẵng hoa đẹp tô thắm cho Phước Long ngày thêm rực rỡ. Tuy chưa phải là danh lam thắng cảnh đồ sộ nhưng đã gắn bó tình cảm máu thịt của nhân dân tại đây. Đến Phước Long, du khách nhớ ngay đến nhà tù Bà Rá, nổi tiếng tàn ác man rợ không thua các nhà tù lớn thời Pháp thuộc Lao Bảo, Côn Sơn.
Sau ngày giải phóng tôi may mắn được gặp bác Nguyễn Văn Bảo (tức Đề), người tù Bà Rá (1943 - 1944) còn sống sót kể lại: “Nói nhà tù Bà Rá, thực ra là “hầm tù” mới đúng. Nhà tù là những căn hầm đào sâu dưới đất, người tù bị nhốt dưới hầm vẫn bị còng. Riêng tù chính trị mỗi người bị nhốt riêng từng hầm như cái giếng sâu, tối như bưng. Mỗi ngày có lính đến thả dây câu cơm xuống cho ăn, tới bữa sau mới tới kéo đồ đựng cơm lên, nếu thấy cơm còn nguyên coi như người tù đã chết, có thể lấp hố chôn luôn. Đồng chí Nguyễn Thị Định đã từng bị giam ở đây. Địch chia nhà tù ra làm ba khu: căn A: Trại Sơn Hà ấp người dân tộc. Căn B: tù chính trị tại dốc Nhơn Hòa 2, cách lộ vào thị xã chừng 5 - 6 trăm mét đường kéo thẳng. Căn C: thuộc ấp Tư Hiền, sát chân núi gần thác Đức Mẹ, phía sau trường trung học Nhất Linh, nơi đây trước trồng cao su. Đối với tù thường phạm bị cạo nửa đầu, bị cởi truồng nhốt dưới hầm, khi đi làm khổ sai vẫn phải mang xích sắt dài 3 mét, phải quàng lên vai mới đi lại được”. Qua thời gian chiến tranh kéo dài, giờ đây không biết di tích tội ác đẫm máu này của quân xâm lược đối với nhân dân ta có còn dấu vết gì không? Di tích lịch sử này là nơi giáo dục truyền thống vô cùng sâu sắc. Đáng tiếc thay nếu nó bị quên lãng, vì đây là vốn truyền thống quý giá tự có của Phước Long.
Cảm ơn Hồng Phương, một chiến sĩ Quân Giải phóng về giải phóng Phước Long 41 năm trước với tấm lòng yêu quý Phước Long đã xúc động để lại mấy vần thơ với lòng mong ước cho Phước Long anh hùng khởi sắc trong tương lai trù phú:
… Đẹp mùa lúa tốt Bù Nhai,
Xanh su Thuận Lợi, ngọt khoai Nhơn Hòa
Vườn xoài trĩu quả Bù Na,
Mít thơm Vĩnh Thiện, mượt trà Sơn Giang.