Nhà truyền thống Phước Long - địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử

Nằm ở vị trí trung tâm thị xã Phước Long (Bình Phước) - cách điểm du lịch Cáp treo núi Bà Rá hơn 1 km, Nhà truyền thống thị xã Phước Long trưng bày nhiều hiện vật lịch sử, là một trong những địa chỉ đỏ giúp người dân trong và ngoài tỉnh Bình Phước hiểu rõ hơn về những chiến công, sự hy sinh của các thế hệ cha anh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Công trình Nhà truyền thống thị xã Phước Long được khởi công xây dựng tháng 5/2014 và hoàn thành vào tháng 12/2014, đây là một công trình văn hóa đặc biệt được xây dựng nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Phước Long (6/1/1975 - 6/1/2015). Với diện tích xây dựng là 4.281 m2, nhà truyền thống Phước Long có nhà trưng bày hiện vật, sân vườn trưng bày, một số quầy bán hàng lưu niệm... Nơi đây lưu giữ các di sản văn hóa, tư liệu lịch sử cách mạng; trưng bày các kỷ vật, hiện vật và hình ảnh về chiến tranh của quân và dân Phước Long trong kháng chiến chống đế quốc.

Khách tham quan Nhà truyền thống Phước Long.Ảnh: baobinhphuoc.vn



Đặc biệt, Nhà truyền thống thị xã Phước Long hiện đang lưu giữ, bảo tồn, trưng bày hơn 300 hiện vật như: Máy bay C123 do C14 Tỉnh đội Bình Phước bắn; súng 105 mm; xác máy bay rải chất độc hóa học... ; các hình ảnh, hiện vật về chiến tranh như bản đồ tác chiến của chiến dịch đường 14, súng trung liên RPD, M79, B40, AK, dùi cui, máy biến áp, máy thu phát, súng pháo phục vụ cuộc chiến tranh... Bên cạnh những hiện vật gắn với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Nhà truyền thống còn trưng bày nhiều hình ảnh về đội vận tải hậu cần 81, chuyển lương thực, thực phẩm trong chiến dịch Đồng Xoài; hình ảnh trong quá trình lấp phá, mở đường bí mật chuẩn bị cho chiến dịch Phước Long; hình ảnh về quân giải phóng bắn phá kho xăng của địch và đánh chiếm cầu 38; hình ảnh đồng bào S’tiêng, Khmer giã gạo nuôi quân ở Bom Bo và Hớn Quản và rất những hình ảnh thể hiện niềm vui của chiến sỹ, người dân khi chiến dịch thắng lợi.

Bên cạnh những hiện vật, nhà truyền thống còn trưng bày các hình ảnh các đồng chí lãnh đạo và sự đổi thay của thị xã Phước Long qua các qua các thời kỳ. Chân dung các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, danh sách cá nhân, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng được trưng bày rất chi tiết. Đặc biệt, nhà truyền thống Phước Long còn dành một phòng riêng trưng bày về các bức hình, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định - người từng bị biệt giam ở núi Bà Rá.

Ngoài những hiện vật có giá trị trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhà truyền thống còn có nhiều hiện vật mang đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng, hiện đang sinh sống tại mảnh đất Phước Long, những hình ảnh mô phỏng đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Long như: cồng chiêng, khung cửi và các nông cụ của đồng bào S’tiêng bản địa sử dụng trong chiến đấu cũng như sản xuất.

Anh Điểu Keng, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập cho biết, đến thăm quan nhà truyền thống, anh đã hiểu hơn về lịch sử Phước Long, đồng thời quý trọng hơn những đóng góp của các thế hệ đi trước trong việc giành độc lập, tự do cho dân tộc. Còn em Hùng Lộc, học sinh trường Trung học phổ thông Phước Long chia sẻ: “Các hình ảnh, hiện vật trưng bày tại nhà truyền thống giúp thế hệ trẻ chúng em hiểu rõ hơn về lịch sử, cảm nhận gian khổ và ghi ơn công lao của thế hệ cha anh trong những năm tháng chiến tranh. Đây là niềm tự hào và thôi thúc em cố gắng hơn nữa trong học tập, để mai sau xây dựng, bảo vệ quê hương”.

Ông Nguyễn Hùng Minh, Phụ trách Nhà truyền thống cho biết: Từ khi Nhà truyền thống đi vào hoạt động, nhiều du khách, các đoàn học sinh đến từ các trường thuộc huyện Lộc Nình, thị xã Phước Long... đã đến tham quan. Đây đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ sau.

Ông Nguyễn Hoàng Thái, Bí thư Thị ủy thị xã Phước Long cho biết: Nhà truyền thống Phước Long là một công trình ghi nhận chiến tích hào hùng của các bậc cha anh trong công cuộc giải phóng Phước Long, tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngoài ý nghĩa tôn vinh những công lao to lớn, đây còn là nơi để giáo dục lịch sử, nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc xây gìn giữ, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

K GỬIH

Giáo dục lịch sử dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt
Giáo dục lịch sử dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt

Thực hiện Chương trình công tác năm 2012, ngày 10/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ 4 nhằm đánh giá hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp 3 và 4 (từ tháng 4/2012 đến nay); thảo luận những công việc chính từ nay đến hết năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN