Nguồn năng lượng tiềm tàng ấy tạo thành sức mạnh vĩ đại, giúp phụ nữ Việt Nam có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Luôn đề cao vai trò của phụ nữ
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, đồng thời, khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không thể không bao hàm khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; bởi lẽ, phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số và gần một nửa lực lượng lao động cả nước, có mặt trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề, khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Việt Nam được đánh giá rất cao trong công tác bình đẳng giới tại Đông Nam Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác xã hội, chính trị, kinh tế và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước rất cao (cao nhất Đông Nam Á). Năm 2021 có dấu ấn đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam, với việc lần đầu tiên từ khi đất nước đổi mới, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Chính phủ cũng ra nghị quyết ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Lần đầu tiên, trong một chương trình mục tiêu quốc gia có dự án chuyên biệt về bình đẳng giới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác đều thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, những năm qua, các cấp hội đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ làm cơ sở để xác định nội dung, hình thức hoạt động; mở rộng kết nối, tăng cường ảnh hưởng đối với phụ nữ và xã hội, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp và người đứng đầu trong công tác phụ nữ. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng; vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao.
Đặc biệt, các cấp hội quan tâm tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp, rèn luyện và lan tỏa những phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”của phụ nữ Việt Nam; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực trong giải quyết những vấn đề của chính mình và gia đình, tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào công cuộc phát triển của địa phương, đất nước.
Khẳng định khả năng, sức sáng tạo trên mọi lĩnh vực
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đối với phụ nữ như chính sách bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội, cho nhân dân. Tỉ lệ đại diện phụ nữ trong các cơ quan dân cử đều ở mức cao; chỉ số phát triển giới của Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/153 về Chỉ số thu hẹp khoảng cách giới. Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong 35 năm qua, đã có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia
Đặc biệt, theo thống kê, có hơn 26,5% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam do phụ nữ làm chủ với nhiều tấm gương trẻ, tiêu biểu làm kinh tế giỏi, làm giàu cho bản thân và gia đình, có đóng góp tích cực cho xã hội. Để khẳng định vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển chung của nhân loại, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vượt lên mọi khó khăn thử thách… Họ phải biết cách sắp xếp công việc xã hội và công việc gia đình một các hợp lý, để làm được như vậy họ phải vượt qua rất nhiều gánh nặng trong cuộc sống.
Nhà Thiết kế Thoa Trần - Giám đốc Học viện thời trang cho rằng, ở thời đại công nghiệp lần thứ tư, việc giữ vững tinh thần cũng như luôn có những chiến lược phù hợp kịp thời để vượt khó và biến khó khăn thành cơ hội là rất cần thiết. Phụ nữ đóng vai trò đầu tàu cũng có những lợi thế nhất định trong việc quản trị doanh nghiệp, từ những trải nghiệm rất thực tế khi phải quản trị một gia đình với mọi việc mọi thứ chuẩn chỉnh khéo léo đúng mực và đoàn kết, những khó khăn trên thương trường cũng sẽ có cách để vượt qua.
Giám đốc truyền thông thương hiệu Nano Đông trùng Hạ thảo Hương Trần tự nhận là một người phụ nữ khá may mắn khi được sống với đam mê. Người phụ nữ thành công trong cuộc sống cho rằng, tố chất đầu tiên một người phụ nữ thời đại mới cần là họ phải có khao khát, ước mơ lớn và ước mơ đó phải hướng về cộng đồng. Làm thế nào để có thể trao giá trị tới cho mọi người. Ngoài ra, phụ nữ phải luôn luôn tích cực và lạc quan bởi cuộc sống mỗi ngày đều đặt ra những khó khăn và thách thức, nhưng nếu chúng ta sống và suy nghĩ tích cực thì sẽ vượt qua một cách rất dễ dàng…
Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội Đoàn Thị Bích Ngọc cho biết: Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Hà Nội tập trung vào sự phát triển liên tục của doanh nhân trẻ, đặc biệt là nữ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; quan tâm hỗ trợ đối với các nữ hội viên nói riêng và doanh nhân trẻ… Từ đó, giúp các nữ doanh nhân giải quyết các vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; khuyến khích hợp tác kinh tế, gia tăng cơ hội tạo việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cùng với việc ứng dụng công nghệ điện tử, Hiệp hội đã xây dựng website và ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm quản lý, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển các lĩnh vực kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp của nữ doanh nhân. Hiện có một số chị em đã thành công ứng dụng công nghệ trong việc tiếp cận, đổi mới mô hình kinh doanh, mua bản quyền...
“Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà đã phát triển, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết nhiều việc làm và bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động, tham gia tích cực vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước”, bà Đoàn Thị Bích Ngọc cho biết.
Thúc đẩy các hoạt động trao quyền năng cho phụ nữ
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, hiện nay, các cấp hội đang tích cực chuẩn bị cho đại hội phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2022. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước sẽ thảo luận dân chủ, rộng rãi để xác định mục tiêu các phong trào thi đua, cuộc vận động, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong công tác phụ nữ, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Các cấp hội sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác chỉ đạo các hoạt động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi phụ nữ, trẻ em và mỗi gia đình; đồng thời, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo cuộc sống của người dân và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để thực hiện được sứ mệnh ấy, trước hết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những biện pháp cụ thể để đưa tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống; tiếp tục làm tốt việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; thúc đẩy các hoạt động trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng…