Trình độ ngang tầm khu vựcChương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” (Chương trình KC.08) do Bộ KH&CN chủ trì, đã góp phần phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến, quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ lụt... nghiên cứu và ứng dụng được nhiều công nghệ mới trong xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhiều công trình còn được đánh giá ngang tầm với các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới.
Trạm Khí tượng Hải văn Phú Quốc thuộc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang.Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Là một công trình nghiên cứu thành công của chương trình KC.08, đề tài “Xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo và cường độ bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông hạn 5 ngày” do GS Trần Tân Tiến, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN chủ trì, đã cho ra sản phẩm công nghệ dự báo bão trước 5 ngày. Quy trình công nghệ dự báo này đã được các nước trong khu vực đánh giá cao, sánh ngang với trình độ của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống đã được ứng dụng trong các trận bão từ năm 2013 đến nay với độ chính xác cao. Công trình này cũng đã chứng minh Việt Nam có khả năng tự tạo ra hệ thống dự báo cho riêng mình, phù hợp với điều kiện đặc thù trong nước và có thể phát triển ứng dụng thành công cho dự báo ở quy mô quốc gia.
Theo GS Trần Tân Tiến: “Qua đề tài nghiên cứu này, chúng tôi đã tạo ra được 5 kết quả nghiên cứu chính đó là xây dựng các quy trình dự báo dựa trên công nghệ tổ hợp lọc Kalman, nuôi nhiễu phát triển (BGM), dự báo cường độ bão bằng WRF lưới lồng… Các phương pháp dự báo này đã được chuyển giao cho Đài Khí tượng Đông Bắc, Phòng Khí tượng Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương”.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu phòng tránh thiên tai đã trở nên bức thiết.Ảnh:Trọng Thủy |
Đề tài về xây dựng và xuất bản “Bộ bản đồ tai biến thiên nhiên phần đất liền” do TS Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, làm chủ nhiệm, đã xây dựng được bộ bản đồ cảnh báo tổng quan về các loại thiên tai cơ bản, sử dụng cho nhiều đối tượng từ người dân đến các nhà nghiên cứu, quản lý. Trên cơ sở tích hợp các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển từng dạng thiên tai, đề tài đã xây dựng được 8 bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai quan trọng như: Bão, hạn hán, lũ, lũ quét (lũ bùn đá), trượt lở, xói lở bờ biển, nứt đất, động đất; và 2 bản đồ tổng hợp cảnh báo và phân vùng nguy cơ thiên tai lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, đề tài cũng đã xây dựng được Atlas thiên tai Việt Nam, có thể cập nhật những thông tin và cảnh báo của 12 dạng thiên tai ở nước ta, phát hành trên website của Viện Địa chất để phổ biến tới người dân.
Không chỉ 2 công trình trên, qua Chương trình KC.08, rất nhiều đề tài đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giúp Việt Nam có thể chủ động và nâng cao năng lực cảnh báo, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, chủ nhiệm Chương trình KC.08/11 - 15 cho biết: “Trong giai đoạn 2011- 2015, Chương trình KC.08 đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng như: Đã tạo ra 37 công nghệ và quy trình mới; 25 giải pháp kỹ thuật, 10 dây chuyền, thiết bị... nhiều công trình được bàn giao cho cơ sở, địa phương và đang kiến nghị nhân rộng. Nhờ chương trình KC.08, cũng đã đào tạo và nâng cao được khả năng nghiên cứu về những vấn đề thiên tai, môi trường cho các nhà khoa học. Thông qua các đề tài được nghiên cứu, triển khai, nhiều đơn vị cũng đã trang bị được các thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu”.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, các kết quả nghiên cứu của Chương trình KC.08 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, Bộ KH&CN đang tiếp tục tập trung đầu tư cho lĩnh vực này thông qua việc triển khai Chương trình KC.08 trong thời gian tới, quy mô lớn hơn và đổi mới cách triển khai để đạt hiệu quả cao.
Tăng ứng dụng thực tiễnMặc dù đã có những nghiên cứu thành công, triển khai đạt hiệu quả cao trong phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường nhưng theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, khi triển khai Chương trình KC.08 vẫn còn những tồn tại như: Thiếu tính liên kết, kế thừa và phát huy các kết quả của giai đoạn trước; vẫn chưa thực sự có những chuyên gia giỏi, có tính chuyên sâu; chưa khai thác hết tiềm năng của các công trình nghiên cứu; nhiều đề tài được triển khai rộng rãi ở các địa phương nhưng công tác quảng bá còn ít, chưa có nhiều người biết đến. Điều này dẫn đến tình trạng các địa phương được ứng dụng cũng không hiểu về các kết quả nghiên cứu này nên còn ngại ngùng khi quyết định ứng dụng, khó có thể chuyển giao công nghệ...
Theo các nhà khoa học, để tăng cường tính ứng dụng hơn nữa, cần chú trọng đẩy mạnh việc đưa các nghiên cứu vào thực tiễn, bằng cách tăng cường trao đổi thông tin giữa Bộ KH&CN với các địa phương, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu về các kết quả nghiên cứu về phòng tránh thiên tai đến với xã hội để các địa phương và người dân hiểu và sẵn sàng ứng dụng các kết quả. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục, kinh phí để các nhà khoa học có đủ điều kiện đầu tư cho việc nghiên cứu.
Ông Hồ Quang Vinh, Phó Giám đốc Văn phòng Các chương trình trọng điểm quốc gia, Bộ KH&CN: Giai đoạn tới, Bộ sẽ thay đổi cách thức điều hành chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước như Chương trình KC.08, để đảm bảo hiệu quả nghiên cứu cao hơn. Bộ sẽ tổ chức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân để tạo điều kiện cho họ tập trung nhiều thời gian hơn vào nghiên cứu. Vấn đề kinh phí cũng được giải quyết ngay từ năm đầu kế hoạch và đảm bảo cung cấp hằng năm để các chủ trì bớt thụ động trong thực hiện đề tài. Khâu thủ tục trong quá trình thực hiện đề tài sẽ được giảm bớt. Bộ Tài chính sẽ cho phép các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không phải đấu thầu mua sắm nguyên vật liệu, vật tư hóa chất tiêu hao sẽ tạo điều kiện cho các đề tài hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đã được phê duyệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra trong quá trình thực hiện.