Phòng chống COVID-19: Chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo. Từ yêu cầu thực tiễn về công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine cho sinh viên tại điểm tiêm Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Ba trụ cột chính trong phóng dịch là: Cách ly, xét nghiệm, điều trị

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trong phòng chống dịch bệnh, công tác phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định trong bối cảnh chúng ta chưa bao phủ được hết vaccine. Các địa phương trên cả nước có lộ trình mở cửa, nhưng phải bảo đảm an toàn. Trong thực hiện tiêm chủng, phải có cách làm khoa học, ưu tiên cho địa bàn, đối tượng, những nơi, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Quán triệt thực hiện nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, với 3 trụ cột chính: Cách ly, xét nghiệm, điều trị. Trong 3 trụ cột nêu trên, cách ly cần thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể, phải chặt, ngặt nghèo, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả. “Xét nghiệm phải trên tinh thần khoa học, hợp lý, hiệu quả. Về điều trị, phải có sự phân loại, chăm sóc, tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế, hạn chế thấp nhất các ca tử vong”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Trong các cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần lưu ý các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động ở các thành phố lớn sớm ổn định cuộc sống, không di chuyển ồ ạt. Trường hợp người dân, người lao động quyết tâm rời thành phố, các khu công nghiệp, các khu chế xuất về quê; các tỉnh thành phối hợp, thực hiện tốt các biện pháp y tế, tổ chức việc đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ác tắc. Đi liền với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống, ổn định của nhân dân.

Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, các địa phương bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa có 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Riêng huyện Khánh Sơn, gần 2 năm qua khi dịch bệnh xảy ra nhưng địa phương này luôn là vùng xanh; còn huyện Khánh Vĩnh chỉ có giai đoạn ngắn phải thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Còn tất cả đều ở vùng xanh, cả hai huyện hiện nay đã được tiêm phủ vaccine mũi 2 đạt 40%. Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến 15/11/2021 sẽ phủ xong 2 mũi vaccine để người dân an toàn có thẻ xanh COVID-19. Đây cũng là một tín hiệu rất đáng mừng để các huyện trong tỉnh tiếp tục khôi phục phát triển kinh tế”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 10/2021; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Việc thực hiện mở cửa phải có kế hoạch, chủ động, có lộ trình phù hợp, hiệu quả. Quan tâm xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.  

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chính phủ đang đẩy mạnh nhập khẩu và tiêm vaccine; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động vaccine trong nước, triển khai hộ chiếu vaccine. Tăng cường thông tin truyền thông, huy động toàn dân tham gia công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19.  

Thích ứng an toàn, linh hoạt để phát triển kinh tế

Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cho nên, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  

Chú thích ảnh
Ngành Hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt. Ảnh: TTXVN phát

Hiện các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó cần tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông, lưu thông hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo... theo lộ trình từng bước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có Công điện số 21/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, từ 6 giờ ngày 14/10/2021, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến. Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành du lịch. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR. Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng cần phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Có chính sách kích thích nền kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các lĩnh vực kinh tế có rủi ro cao. Bảo đảm lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân thông suốt nội tỉnh và liên tỉnh, không để ách tắc, không để mỗi địa phương một kiểu; hướng dẫn công khai, rõ về các yêu cầu trong bảo đảm an toàn chống dịch và thống nhất trên toàn quốc để các địa phương thực hiện, từng doanh nghiệp, người dân dễ dàng tra cứu và tuân thủ.  

Triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, nỗ lực giành đơn hàng cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm ở châu Âu, Bắc Mỹ, nhất là các ngành hàng chủ lực (dệt may, da giày…), các doanh nghiệp FDI.  

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để có giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Tính toán, dự báo cung cầu hàng hóa, nhất là dịp lễ Tết, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giá, hành vi đầu cơ, găm hàng để trục lợi. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác xây dựng thể chế; tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ bằng được các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.  

Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong bối cảnh kinh tế - xã hội chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định chính trị, xã hội; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Có giải pháp bảo đảm lao động, sẵn sàng đưa người lao động trở lại làm việc để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.  

Khẩn trương xây dựng hướng dẫn tổ chức dạy và học phù hợp tình hình, mức độ nguy cơ dịch bệnh từng địa phương. Hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn. Thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên, nhất là các cháu gặp khó khăn, bị mồ côi do dịch COVID-19.

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, trật tự xã hội; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Viết Tôn/Báo Tin tức
Thủ tướng: Kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột
Thủ tướng: Kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột

Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 9/10/.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN