Không đại khái, qua loa
Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở lưu trú, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở đơn lẻ được thiết kế và xây dựng nhiều căn hộ "chung cư mini", cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố. Với yêu cầu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ", chính quyền các quận, huyện đã khẩn trương vào cuộc.
Quận Đống Đa là địa phương có đông dân số nhất thành phố Hà Nội với trên 37 vạn người; hơn 1.000 ngõ, ngách có tổng chiều dài 163 km, trong đó có 232 ngõ sâu chiều ngang dưới 3 m di chuyển khó khăn. Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, quận yêu cầu 21 phường trên địa bàn kiểm tra "chung cư mini", nhà trọ. Qua rà soát cập nhật đến ngày 24/9/2023, trên địa bàn hiện có 1.990 cơ sở "chung cư mini", nhà cho thuê. Sơ bộ đánh giá, hầu hết các cơ sở này không đảm bảo về công tác phòng cháy, chữa cháy, không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình xung quanh. Hầu hết các cơ sở chỉ có một lối thoát nạn mỗi tầng, thiếu thang bộ thoát nạn, chưa có các giải pháp ngăn cháy phù hợp. Địa phương đã kiểm tra, rà soát 535 nhà nhiều căn hộ, nhà cho thuê, "chung cư mini". Qua đó, phát hiện 28 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy; phạt 93,6 triệu đồng.
Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, hoạt động kiểm tra hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Qua đó, nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ gia đình và người đứng đầu trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác kiểm tra được thực hiện quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. “Quận yêu cầu đoàn kiểm tra, không đại khái, qua loa, làm cho có. Đây chính là cơ hội để mỗi người dân, mỗi gia đình, tổ dân phố nâng mức cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy lên một bước cao hơn nữa, giúp người dân luôn sẵn sàng trong mọi tình huống cháy có thể xảy ra”, ông Hà Anh Tuấn nhấn mạnh.
Không chỉ quận Đống Đa, nhiều địa phương khác của thành phố Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy và huyện Đan Phượng… đã tổ chức tổng kiểm tra "chung cư mini", dịch vụ cho thuê trọ. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ, trong quá trình kiểm tra, các lỗi sẽ được xử lý triệt để, không bỏ sót lỗi nào. Cùng với việc rà soát, phát hiện lỗi vi phạm từ trật tự xây dựng đô thị, nguyên nhân dẫn đến cháy..., Công an còn hướng dẫn người dân khắc phục các vi phạm chứ không phải cứ đi tìm lỗi để xử lý.
Liên quan đến xử lý sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Trên tinh thần “không có vùng cấm”, Công an thành phố Hà Nội bước đầu đã triệu tập nhóm quản lý Nhà nước liên quan vụ cháy đến làm việc nhằm thu thập thông tin. Qua đó để xác định có vi phạm hay không và có đủ căn cứ xử lý hình sự hay không?
Dốc toàn lực giảm số vụ cháy nổ
Hiện, toàn thành phố có khoảng 1.496.239 gia đình (đạt 91,3%) mở “lối thoát nạn thứ 2”. Nhiều người đã trang bị sẵn cho gia đình mặt nạ phòng độc, thang dây, dây hạ chậm… Nhiều gia đình đã tìm đến lực lượng chức năng để tìm hiểu và nhờ được hướng dẫn chuẩn bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Điều này cho thấy, người dân đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức ứng phó với hỏa hoạn.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), “thời điểm vàng” để thực hiện dập lửa là không quá từ 5 phút kể từ khi đám cháy xuất hiện. Vì vậy, việc huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ"; trong đó, coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm “lực lượng trong dân - phương tiện trong dân - hậu cần trong dân và chỉ huy ở trong dân” là rất quan trọng.
Từ thực tế trên cho thấy, để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả, vấn đề đặt ra là thành phố cần nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy cho lực lượng ở cơ sở ngoài việc tuyên truyền, vận động.
Có thể dẫn chứng đêm 30/9, tại một căn hộ ở tầng 10 tòa CT11-Gardenia chung cư Hồng Hà Eco City huyện Thanh Trì bị cháy. Nguyên nhân ban đầu, đám cháy xảy ra khởi phát từ việc chung cư bắn pháo hoa ăn mừng đêm hội Trung thu. Hay trong lần kiểm tra “chung cư mini” 7 tầng nằm sâu trong con ngõ 425 (phố Thượng Thụy, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) vào giữa tháng 9/2023, đoàn kiểm tra quận Tây Hồ nhận thấy, từ lâu, hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở đây đã không được bảo dưỡng. Bình chữa cháy chất đống ở gầm cầu thang. Khi hỏi cư dân ở đây, họ cũng không biết cách sử dụng và tính năng của bình bọt chữa cháy. Qua 2 vụ việc trên cho thấy, người dân, ban quản trị tòa nhà chưa thấm nhuần công tác phòng, chống “giặc hỏa”, còn thái độ chủ quan, chưa lấy phòng là chính.
Ông cha ta xưa đã đúc kết câu thành ngữ "Thủy - hỏa - đạo - tặc" để nói về mối đe dọa, thiệt hại to lớn, khôn lường do lũ lụt và hỏa hoạn gây ra. Nhiều người biết đến mối nguy này nhưng lại chưa quan tâm để ngăn ngừa từ sớm, từ xa; nhất là vấn đề "hỏa tặc". Hỏa hoạn là không báo trước và nguy cơ xảy đến bất cứ lúc nào nếu mọi người không có ý thức cảnh giác. Do vậy, các cơ quan chức năng và cả người dân cần dồn lực duy trì trạng thái luôn cảnh giác, sẵn sàng trong phòng, chống cháy nổ trên địa bàn Thủ đô.
Đề cập đến giải pháp trong thời gian tới nhằm ngăn chặn cháy nổ tại “chung cư mini”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu quan điểm, các địa phương cần kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cấp đã để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng cũng như hoạt động của loại hình nhà ở này.
Đối với những “chung cư mini” đang tồn tại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị, chủ nhà khẩn trương có những giải pháp đầu tư, cải tạo khu vực để xe, khu vực dễ phát sinh cháy nổ, bố trí lối thoát cho cư dân sống trong các chung cư này một cách thuận lợi nhất; cải tạo thêm các cầu thang, lối thoát hiểm an toàn, phù hợp. Các tòa nhà cần bổ sung thêm trang thiết bị về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong các tòa nhà, bảo đảm, cung cấp đủ công suất. Mặt khác, chủ đầu tư cần tăng cường tập huấn cho các hộ dân sống trong các tòa "chung cư mini" để họ có những ứng phó kịp thời nếu xảy ra cháy nổ.