Trong những năm gần đây, Hà Nội đã triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống cháy, nổ. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc thù dân cư đông đúc, nhiều phố nhỏ ngõ nhỏ kéo dài, ý thức phòng, chống cháy nổ còn hạn chế… đang là những thách thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở Thủ đô. Quan ngại nhất hiện nay là các “chung cư mini” - nơi có đông người lưu trú, nhưng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, thường được xây dựng trong các ngõ nhỏ, phương tiện chữa cháy khó tiếp cận. Điều này dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, để lại hậu quả lớn nếu xảy ra hỏa hoạn.
Nhân Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10), phóng viên TTXVN có chùm hai bài viết nêu ra lỗ hổng quản lý và gợi mở các giải pháp trong quản lý “chung cư mini” tại Hà Nội.
Bài 1: Lấp lỗ hổng trong quản lý
Mấy năm trở lại đây, tại Hà Nội nở rộ xây dựng “chung cư mini” nhằm kiếm lợi nhanh chóng từ nhu cầu thuê ở của người lao động và dân nhập cư rất lớn. “Chung cư mini” đã tồn tại kéo dài trong thực tế nhưng do thiếu những quy định quản lý cụ thể, khiến cho loại hình nhà ở này đã có những rủi ro. Đỉnh điểm là đêm 12, rạng sáng 13/9, tại “chung cư mini” phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đã xảy ra cháy, làm 56 người tử vong và 37 người bị thương. Sau vụ hỏa hoạn, dư luận Thủ đô nhận ra “chung cư mini” là loại hình, “cha chung không ai khóc”, lộ rõ một “khoảng trống” về quản lý.
Xây dựng sai phép?
“Chung cư mini” thực chất là nhà ở riêng lẻ, được xây nhiều tầng, nhiều phòng, có công trình phụ khép kín. Đối chiếu với các quy định hiện hành, nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng tại Hà Nội, đa phần đều do cấp quận, huyện cấp giấy phép xây dựng. Qua tìm hiểu, tại Hà Nội, ít có việc cấp phép sai, cấp phép bừa. Đa phần các công trình đều được chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc quản lý sau cấp phép mới là điều đáng quan tâm. Sau khi có tờ “giấy khai sinh” là Giấy phép xây dựng, chủ nhà bắt tay vào triển khai công trình theo chủ đích của mình.
Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu như các công trình đều xây theo đúng Giấy phép xây dựng. Nhưng ở Hà Nội “tấc đất tấc vàng”, phần lớn các gia chủ đều muốn nhà của mình to đẹp hơn, nhiều diện tích sử dụng hơn so với Giấy phép xây dựng. Từ thực tế này, xuất hiện “thị trường ngầm” trong việc xin - cho để cơi nới từ tum thành tầng ở, nâng tầng, biến ban công hở thành phòng… Các công việc này đều có “công thức” chung, theo mức độ quan trọng của đô thị.
Dư luận vẫn đồn thổi rỉ tai nhau các tiết lộ của các “cò” xây dựng, càng ở các quận lõi của Hà Nội, giá cả cho việc bỏ qua sai phạm càng cao, từ vài triệu đến cả hàng chục triệu cho mỗi mét vuông cơi nới. Khi không thể “bôi trơn”, nhiều chủ đầu tư tìm đến những người có thế lực trong xã hội để “đỡ lưng” cho công trình được xây dựng và qua mắt các cơ quan, đoàn kiểm tra.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng phát biểu, lợi nhuận từ phần công trình vi phạm là rất lớn. Vì thế, chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm. "Đằng sau mỗi công trình đấy là có chống lưng đấy. Không phải mình đương đầu với chủ công trình vi phạm đâu, mình còn đương đầu với cả cái anh chống lưng đó", ông Phạm Quang Nghị nói.
Để kiểm tra, phát hiện các vi phạm trật tự xây dựng, nhất là đối với việc xây dựng nhà ở, Hà Nội đã hình thành đội ngũ Thanh tra xây dựng. Lực lượng này có chức năng, giám sát, kiểm tra, phát hiện sai phạm, xử phạt hoặc tham mưu xử phạt cưỡng chế, tháo dỡ đối với công trình sai phạm. Còn có xử phạt, có “cắt ngọn” công trình hay không lại phụ thuộc vào quan điểm của cấp chính quyền sở tại.
Từ trước năm 2018, Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố nhưng sau đó được giao xuống cho cấp quận, huyện quản lý cả con người và chuyên môn. Theo đó, mỗi xã, phường đều có từ 3-5 Thanh tra viên xây dựng. Việc chuyển Thanh tra xây dựng cho quận, huyện quản lý với tư duy “quy trách nhiệm cho người đứng đầu” chính quyền để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, khi Thanh tra xây dựng ở thế “một cửa, một khóa” thì các sai phạm vẫn xảy ra và tồn tại. Song, dù vi phạm trật tự xây dựng ở mức độ nào thì ở Hà Nội chưa có người đứng đầu UBND cấp quận, huyện nào bị “trảm” hay xử lý về chức vụ do để xây dựng cơi nới, vượt tầng trên địa bàn quản lý. Có chăng, khi dư luận báo chí nêu về phát sinh mới vi phạm trật tự xây dựng thì người bị xử lý buộc thôi việc hoặc luân chuyển cũng chỉ là cán bộ Thanh tra xây dựng hay Chủ tịch UBND cấp phường, xã.
Nguyên nhân cho tình trạng buông lỏng quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội ngoài xuất phát từ ý thức cá nhân, cũng phải kể đến hệ thống luật pháp chưa thật sự rõ ràng và minh bạch; trong đó có vấn đề chưa đồng bộ, công khai trong quy hoạch. Có khi trong cùng một phường, hai ô đất giáp ranh nhau, nhưng về chiều cao công trình lại khác nhau, dẫn đến việc chạy đua để nâng tầng. Vì lợi nhuận, chủ đầu tư bất chấp tất cả, “xé toang” Giấy phép xây dựng. Hơn nữa, trên địa bàn Hà Nội có vài nghìn “chung cư mini” nên càng khó kiểm soát.
Phó mặc cho chủ đầu tư
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cơ quan này chỉ thực hiện cấp phép xây dựng đối với các dự án, công trình cấp 2 trở lên (có tổng diện tích sàn từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2, hay có chiều cao từ 9 - 19 tầng), có thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở... Tuy nhiên, khi xây dựng nhà ở riêng lẻ do cấp quận, huyện cấp phép thì không bắt buộc phải thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, nhiều chủ đầu tư lợi dụng điều này, xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; sau đó, biến thành “chung cư mini”. Sau khi qua được “cửa” kiểm soát về xây dựng, chủ nhà có thể ung dung sử dụng căn hộ theo ý mình.
Ngoài lực lượng Thanh tra xây dựng phường, quận, khi xây “chung cư mini”, chủ đầu tư không bị một cơ quan chức năng nào kiểm tra, xem xét vấn đề về: môi trường, chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng... Vì là công trình nhà ở riêng lẻ, khi hoàn thành chủ đầu tư không cần thủ tục hoàn công, không có đơn vị hậu kiểm. Do nhu cầu thuê trọ lớn nên chủ đầu tư nhanh chóng đưa công trình vào cho thuê hoặc sang nhượng căn hộ theo dạng viết tay. Theo tiết lộ một Chủ tịch UBND phường thuộc quận nội đô, sau khi được luân chuyển sang đảm trách ở một phường mới, có phát hiện về nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ với số lượng người lưu trú lớn nhưng với chức năng và quyền hạn của mình, UBND phường không thể kiểm tra, yêu cầu di dời số người đang lưu trú tại “chung cư mini”.
Do lỗ hổng pháp lý khiến cho việc biến tướng nhà ở riêng lẻ thành “chung cư mini” đã gây ra những hậu quả lâu dài cho xã hội. Do đó, cần phải hoàn thiện hơn trong công tác quản lý.
Bài cuối: Cần tạo bước chuyển mạnh